Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô sẽ tăng trưởng mạnh?
VOV.VN - Di chuyển ngắn, chi phí thấp là ưu điểm của du lịch – nghỉ dưỡng ven đô, cùng với loại hình này là thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang phát triển.
Tiềm năng lớn
Xu hướng du lịch ven đô vào những ngày cuối tuần đang phát triển tốt, là nhu cầu của xã hội. Du lịch ven đô là kênh đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng với nhiều loại hình như khu sinh thái, homestay, resort… đang phát triển
Ông Amorn Harnkham, Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan, đánh giá Hà Nội là một trong những vùng rất tốt để phát triển du lịch ven đô, cần tạo những điểm nhấn để thu hút khách du lịch. Phát triển du lịch ven đô như ở Chiang Mai (Thái Lan), ngoài các khu nghỉ dưỡng còn có các điểm, dịch vụ để hút khách du lịch như trải nghiệm trong rừng, du lịch mạo hiểm… Khách du lịch đến và trở lại thì cần có những sản phẩm du lịch cụ thể, để khách lựa chọn, sử dụng, tiếp tục khám phá.
Bất động sản nghỉ dưỡng ven đô còn nhiều dư địa phát triển. |
“Hà Nội có lợi thế kết nối rất tốt với các khu vực khác, có nền văn hoá đa dạng, có điều kiện là cảnh quan đẹp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Tôi nghĩ Hà Nội sẽ là một trong những điểm đến tốt nhất châu Á về du lịch nghỉ dưỡng ven đô” Amorn Harnkham ông nói.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi, cho rằng có nhiều lý do khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô sẽ tăng trưởng mạnh và bền vững trong các năm tới. Nguồn khách lớn là cư dân nội thành và khách quốc tế đến Hà Nội, đây là động lực cho bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Với nhóm khách nội thành, có khoảng 4,5 triệu người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ven đô. Trung bình đi nghỉ dưỡng 5 – 6 lần/năm, vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 – 30 triệu lượt khách/năm. Với nhóm khách quốc tế, ông Trung nhận định thị trường ngoại ô đóng vai trò giảm tải cho thị trường nội đô.
“Trong tương lai, Hà Nội sẽ đón gần 30 triệu lượt khách quốc tế mà chỉ có 1.200 phòng khách sạn 3 – 5 sao trong 5 năm qua. Điều này gây sức ép lớn về nguồn cung cho nội thành. Giải pháp là san sẻ nguồn khách bằng cách kết nối với du lịch ngoại ô. Và với 30 triệu lượt khách đến Hà Nội trong tương lai, ngoại ô chỉ cần chia lửa thôi cũng đã nóng” - ông Trung nói.
Phải có sự độc đáo để hút khách
Thị trường ngoại ô rất dễ tiếp cận và đang ngày càng dễ tiếp cận hơn do khoảng cách ngày càng gần hơn nhờ các tuyến giao thông mới mở. Lợi thế của du lịch nghỉ dưỡng ngoại ô là chi phí rất thấp. Đơn cử một resort có 3 phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/người/ngày. Mức giá này nhiều người chi trả được.
Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội cho rằng, tiềm năng lớn nhưng thực tế, du lịch ven đô hiện nay vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa làm một chuỗi liên kết hỗ trợ, tạo thành mạng lưới. Thông tin về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ven đô đến với khách du lịch chưa nhiều.
Theo ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality, bức tranh du lịch – nghỉ dưỡng ven đô nhìn chung vẫn tốt nhưng cần thấy một điều là những ngày trong tuần, các khu resort, khách sạn rất vắng khách. Chọn hướng phát triển, phân khúc khách hàng hướng tới là điểm đầu tiên các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cần nhìn nhận đánh giá trước khi đầu tư.
“Nhìn công suất các khu nghỉ dưỡng ngoại ô rất thấp, rất vắng những ngày trong tuần. Vậy với nhà đầu tư, làm sao lôi kéo khách trong những ngày trong tuần mới là quan trọng. Sản phẩm bất động sản, khu sinh thái nghỉ dưỡng cung cấp dịch vụ gì?” - ông Khánh nói.
Ông Khánh cho rằng nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bán cho du khách là cảm xúc. Ví dụ như kiến trúc khu sinh thái, khu resort hầu như đều thấy hao hao giống nhau, không có nét độc đáo, riêng biệt khó hút khách. Không gian nghỉ dưỡng có nét văn hóa bản địa là điều du khách cần. Các khách du lịch thích khám phá văn hóa của địa phương nhưng hầu như các khu nghỉ dưỡng không đáp ứng được.
Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng có nhiều tiềm năng phát triển
Bất động sản nghỉ dưỡng Việt nhằm vào nhu cầu thế hệ 8x, 9x?