"Bôi trơn” sổ đỏ:Thực tế nghiêm trọng hơn rất nhiều kết luận thanh tra

Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, so với những chứng cứ ông cung cấp, kết luận của Thanh tra Hà Nội chưa tương xứng dấu hiệu vi phạm.

Trao đổi với Tiền Phong về kết luận thanh tra việc “bôi trơn” sổ đỏ tại Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, so với những chứng cứ ông cung cấp, kết luận của Thanh tra Hà Nội chưa tương xứng dấu hiệu vi phạm.
Ông Nguyễn Sỹ Cương.
Ông Nguyễn Sỹ Cương.

** Là người phản ảnh và cung cấp chứng cứ ban đầu cho đoàn thanh tra, ông đánh giá thế nào về kết luận vừa được công bố?

- Tôi cho rằng, Thanh tra Hà Nội đã làm việc có trách nhiệm. Tôi thông cảm bởi khả năng của Thanh tra cũng hạn chế nên kết quả làm được cũng chỉ ở mức độ như vậy. 

Thực tế lực lượng thanh tra không có điều kiện từ trình độ nghiệp vụ, chức năng quyền hạn, thời gian để xác minh, làm rõ như cơ quan công an được. Vậy nên, kết quả thanh tra không được như dư luận mong đợi, chưa phù hợp thực tế bởi mới chỉ ra được dấu hiệu. 

Với rất nhiều bằng chứng mà báo chí, dư luận đưa lên, phải nói rằng, kết quả thanh tra đưa ra không tương xứng. Đó là điều mà tôi đã lường trước khi làm việc với đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội. Bởi, ngay từ đầu, tôi đã đề nghị đồng chí Bí thư Thành ủy là Hà Nội nên chuyển việc này cho cơ quan điều tra, vì ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 

Đồng chí Bí thư Thành ủy nói, đã có quyết định giao Thanh tra rồi, cứ để Thanh tra làm, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển cho cơ quan điều tra sau.

Tuy nhiên, làm theo cách như vừa qua, thì sau một thời gian khá dài Thanh tra làm việc, cơ quan điều tra vào cuộc, thì kết quả điều tra sẽ hạn chế hơn là vào cuộc ngay từ đầu. Hiệu quả có thể sẽ bị giảm đi.

Thực tế cho thấy tình trạng “bôi trơn” sổ đỏ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều. Sau khi chất vấn và phản ánh việc này, tôi đã nhận được hàng vạn lời cảm ơn từ người dân trong cả nước, trực tiếp có, gọi điện, nhắn tin và cả lời bình sau các bài báo đăng tải về chuyện này. Điều đó cho thấy việc bôi trơn là phổ biến.

Sự vào cuộc của báo chí, thanh tra giúp thực trạng này giảm bớt một phần. Thực tế vừa rồi có nhiều chủ đầu tư chủ động mời người dân đến, làm thủ tục cấp sổ đỏ. Trong khi, trước đây, họ om hồ sơ, đề nghị phải nộp bôi trơn, tìm mọi cách tạo thành đường dây để ăn chặn.

** Vậy ông có thể nói rõ hơn vì sao ông cho rằng kết quả Thanh tra Hà Nội đưa ra chưa tương xứng?

- Với những chứng cứ tôi cung cấp cũng đủ khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, sau khi tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường về nội dung này, đại diện Cty cổ phần Đầu tư Bất động sản HAPULICO còn có văn bản kiến nghị Chủ tịch Quốc hội, đề nghị chấn chỉnh và xử lý đại biểu do đưa ra ý kiến không có cơ sở, mang tính một chiều, làm thiệt hại cho doanh nghiệp. 

Tới đây, tôi sẽ chính thức có kiến nghị gửi lãnh đạo Hà Nội xử lý đồng chí ký văn bản này, bởi vì theo kết luận của Thanh tra, sự việc có xảy ra. Nếu việc “bôi trơn” là sai phạm của cá nhân, không phải chủ trương của công ty, thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm. Người đứng đầu công ty phải có lời xin lỗi công khai với cá nhân tôi.

** Cụ thể băng ghi âm ông cung cấp cho Thanh tra Hà Nội có thể hiện rõ dấu hiệu vi phạm không?

- Những dấu hiệu khá rõ ràng, bởi tôi đã nghe đi nghe lại. Băng ghi âm đó liên quan trường hợp của một thành viên trong Ban Quản trị nhà chung cư trao đổi với kế toán của chủ đầu tư. Hai bên trao đổi rõ ràng, đầy đủ về tiền như nộp bao nhiêu, nộp như thế nào… 

Thậm chí, cô nhân viên còn nói: “Bọn em chỉ biết thu tiền, còn chi tiết là các sếp làm việc với nhau”. 

Sự việc không chỉ diễn ra ở chung cư HAPULICO mà tôi còn được phản ánh ở một số khu chung cư khác. Tôi đã đến Thanh tra Hà Nội để trực tiếp bàn giao chứng cứ đó sau khi làm việc với đồng chí Bí thư Thành ủy.

** Dù sao, qua kết luận của Thanh tra cũng cho thấy những gì người dân phản ánh, đại biểu Quốc hội chất vấn là sự thật?

- Đúng vậy! Vấn đề ở đây là làm tiếp thế nào để dẹp nạn tham nhũng này. Việc Thanh tra Hà Nội phát phiếu cho người dân để đưa ra con số bao nhiêu người phản ánh có, bao nhiêu người không, tôi nghĩ là không thực sự hiệu quả. Bởi cơ chế bảo vệ người tố cáo hiện nay không thực sự hữu hiệu nên người dân mua nhà ở đó vẫn sợ bị trả thù. 

Trên thực tế, chúng ta đều biết, phải “ngậm đắng nuốt cay” đóng rất nhiều tiền mới có thể làm sổ đỏ và không dám nói ra sự thật.

** Cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên