Cảnh giác với bong bóng bất động sản
VOV.VN -Giới am hiểu thị trường bất động sản gần đây dự báo: năm 2018, bong bóng bất động sản có nguy cơ xuất hiện trở lại. Vậy nguy cơ này có xảy ra hay không?
Nguy cơ bong bóng bất động sản?
Theo lý giải của những người đưa ra nhận định này, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản xuất phát từ 2 yếu tố. Thứ nhất, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, dẫn tới nguồn vốn của các nhà đầu tư cá nhân cũng gia tăng và với việc siết chặt quản lý thị trường vàng và ngoại tệ khá hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn này sẽ được đổ vào bất động sản. Thứ hai, theo chu kỳ, cứ 10 năm, thị trường bất động sản lại xuất hiện bong bóng và thời điểm thị trường xuất hiện bong bóng bất động sản cuối cùng cách đây vừa tròn 10 năm (năm 2008).
Theo thông tin của Bộ Xây dựng tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 vừa qua, tổng diện tích nhà ở đã tăng thêm khoảng 27 triệu m2 sàn, trong đó đã hoàn thành thêm khoảng 6.500m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội khu vực đô thị đạt hoảng 3.785.000m2. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người, tăng 0,3m2 so với năm 2017.
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,7m2 sàn/người, tăng 0,3m2 so với năm 2017 |
Về diễn biến trên thị trường bất động sản, 6 tháng đầu năm, Hà Nội có gần 9.000 giao dịch bất động sản thành công, TP.HCM có 9.550 giao dịch thành công. Giá bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng nhẹ ở cả hai phân khúc: nhà ở riêng lẻ và căn hộ. Tồn kho bất động sản tiếp tục giảm.
Tính đến ngày 20/6/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng hơn 24.000 tỷ đồng, so với đỉnh điểm tồn kho được ghi nhận vào quý 1/2013 thì đã giảm khoảng 81%, so với cuối năm 2017 giảm 5%. Tổng dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản tính đến quý 1 năm nay đạt khoảng 473.000 tỷ đồng.
Từ những thực tế này, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng bất động sản như lo ngại. Ông Ninh nhấn mạnh, theo nguyên tắc chung, thị trường bất động sản khi có biến động sẽ liên quan đến nhiều yếu tố khác. Thứ nhất là tăng trưởng kinh tế. Thứ hai là tác động của đô thị hóa và phát triển hạ tầng. Thứ ba là chính sách tiền tệ. Thứ tư là các thị trường liên thông như thị trường vàng, ngoại tệ… Cuối cùng là điều hành quản lý của Nhà nước thông qua chính sách thuế đất đai. Cả 5 yếu tố này trong năm 2018 chưa có biến động gì lớn. Tuy nhiên, có thể xảy ra sốt đất cục bộ ở một vài địa phương.
Không thể chủ quan với thị trường bất động sản
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, chưa thể chủ quan với thị trường bất động sản, bởi con số thông kê đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cho thấy: đầu tư vào bất động sản vẫn đứng thứ hai, chỉ đứng sau đầu tư trực tiếp vào phát triển công nghiệp. Tương tự, trong các dự án mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thành công cũng có tới 67% số dự án thuộc lĩnh vực bất động sản.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ phân tích: Đầu tư bất động sản chiếm tỷ trọng quá lớn, đứng thứ hai trong đầu tư FDI 6 tháng đầu năm, cộng thêm vốn đầu tư trong nước đổ vào bất động sản. Cho nên phải cảnh giác với bong bóng. Đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào bất động sản không cần thiết nhiều như vậy, cần phải hạn chế.
Với diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay, nếu như nhà đầu tư cá nhân tỉnh táo thì hoàn toàn có thể tránh được bẫy giăng và không tạo nên bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư cá nhân vẫn đầu tư bằng cái đầu của người khác, đầu tư theo phong trào thì khó tránh được thất bại, ngay cả khi thị trường bất động sản biến động không đáng kể./.
Giá bất động sản TPHCM đang bị “thổi” lên cao hơn giá trị thực
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang chững lại
Bong bóng bất động sản liệu đã thành hình?