Đà Nẵng xây mới 1,2 triệu m2 nhà ở xã hội

VOV.VN - Đà Nẵng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2013 – 2015 phấn đấu xây dựng tối thiểu 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Chiều 23/8, tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam và Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn đã tham gia ký kết.

Theo chương trình ký kết giữa hai bên, mục tiêu Đà Nẵng đặt ra trong giai đoạn 2013 – 2015 là phấn đấu xây dựng tối thiểu 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó, có 150.000 m2 nhà ở cho học sinh – sinh viên nhằm đáp ứng đủ 20.000 chỗ ở; nhà ở để bán, cho thuê, thuê mua đối với người thu nhập thấp đô thị đạt 850.000m2, tương đương 15.000 căn hộ; 195.000 m2 nhà ở đáp ứng nhu cầu của 17.000 công nhân.

Giai đoạn này, thành phố đồng thời phấn đấu di dời, tháo dỡ và xây dựng mới thay thế 22 khu tập thể, 3 chung cư cũ xuống cấp, bị hư hỏng nặng cần giải tỏa di dời với tổng số lên tới 600 căn hộ. Hiện thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc hiện thực hóa mục tiêu “lo nhà ở cho dân”, nhất là các đối tượng có thu nhập thấp.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 khẳng định quan điểm phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và cả người dân. Chiến lược chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người nghèo, người có thu nhập thấp không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương trong việc giải quyết nhà ở cho nhân dân.
Theo đó, các địa phương cần triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm và dài hạn. Các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội được xếp vào nội dung quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ tiêu pháp lệnh trong từng thời kỳ của địa phương.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trong Chiến lược nhà ở quốc gia cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, của cả hệ thống chính trị và của người dân, nhất là ở các đô thị lớn như Đà Nẵng. Do đó, Bộ Xây dựng và Đà Nẵng sẽ phối hợp nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhà ở cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng; lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức, nhân sĩ, trí thức; người có thu nhập thấp tại đô thị; công nhân trong và ngoài các khu công nghiệp; học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo; người nghèo tại khu vực nông thôn; các đối tượng chính sách đặc biệt khó khăn và cơ chế, chính sách cải tạo nhà chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp áp dụng trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cũng khẳng định TP sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình phát triển nhà ở, nhất là chương trình nhà ở xã hội, địa phương cũng đề xuất phát huy nguồn vốn từ phát hành trái phiếu  Chính phủ, sự vào cuộc của các doanh nghiệp…

Theo biên bản phối hợp hành động, hai bên sẽ giao nhiệm vụ và tạo điều kiện cho các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng và UBND thành phố Đà Nẵng tham gia thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển nhà ở xã hội; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đăng ký tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên và thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn. Hiện, cần sắp xếp mô hình doanh nghiệp với phương hướng hoạt động phù hợp để đảm nhận chức năng phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở tái định cư./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên