Để người dân bao chiếm đất công - ai chịu trách nhiệm?
VOV.VN - Thực trạng người dân nhiều vùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, chính quyền tỉnh chưa có cách giải quyết dứt điểm.
Tình trạng lấn chiếm đất công không chỉ xảy ra ở thành phố, thị xã, do buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương mà ở nhiều vùng nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều người dân cũng lấn chiếm đất công xây dựng trái phép. Thực trạng này đang gây bức xúc trong dư luận mà chính quyền tỉnh chưa có cách giải quyết dứt điểm.
Người dân huyện Xuyên Mộc bao chiếm đất công để trồng sắn. (Ảnh: Lưu Sơn). |
Hàng trăm ha đất công bị bao chiếm
Do nằm xen kẽ với đất trong khu dân cư nên những năm qua hàng ngàn mét vuông đất công ở các vùng nông thôn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã bị người dân bao chiếm, xây dựng trái phép.
Ở xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, đất công đã bị người dân bao chiếm, xây dựng trái phép từ nhiều năm qua. Theo thống kê chưa đầy đủ của UBND xã Bình Châu, có khoảng 30% trong diện tích 300 ha đất công do địa phương quản lý đã bị người dân bao chiếm trái phép từ năm 1997 đến nay.
Điển hình là quán karaoke do ông Ngô Minh Thành, ở ấp Thanh Bình 1, cách UBND xã Bình Châu chỉ vài trăm mét đã xây dựng trên diện tích hơn 210m2 lấn chiếm đất công. Năm 2016, UBND xã đã phát hiện ông Thành lấn chiếm diện tích đất nói trên khi xây dựng nền móng nên lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt và yêu cầu khôi phục lại hiện trạng. Tuy nhiên, ông Thành chỉ chấp hành đóng phạt mà không chịu khắc phục hậu quả, thậm chí còn tiếp tục xây dựng.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV vào cuối tháng 8 vừa qua, toàn bộ diện tích đất này đã được ông Thành xây dựng thành nhiều phòng karaoke ở tầng hầm. Tầng trên vẫn còn những cột bê tông chờ rất kiên cố.
Giải thích vì sao công trình này không bị cưỡng chế, ông Đinh Xuân Dậu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho rằng, trong thời gian ông Thành vi phạm lấn chiếm đất công thì trên địa bàn xã cũng có nhiều trường hợp khác bao chiếm đất nhà nước để xây dựng nhà cửa và rất khó xử lý.
Chiếm đất công xây dựng phòng Karaoke và tiếp tục xây cột bê tông kiên cố. (Ảnh: Lưu Sơn). |
“Xã cũng rất cẩn thận vì khi sang nhượng bằng giấy tay có ấp trưởng ký vào đó. Ở đây cũng có mấy trường hợp chuyển cơ quan cảnh sát điều tra nhưng vẫn chưa xử lý được. Vì ngày trước không có biên bản vi phạm hành chính điển hình như vụ ở ấp Bình Trung huyện chỉ đạo cơ quan điều tra làm, vụ này có người chiếm mấy chục lô đất”, ông Đinh Xuân Dậu cho hay.
Cách quán karaoke này khoảng 1km, có khu đất khoảng 3.000 m2 tại ấp Láng Găng do UBND xã Bình Châu quản lý đã bị ông Phạm Quang Thành lấn chiếm từ nhiều năm nay. Hiện khu đất đã được ông Thành xây tường rào xung quanh, một phần làm ao nuôi cá. Nghiêm trọng hơn, việc lấn chiếm đất công tại xã Bình Châu còn gây ảnh hưởng đến quá trình xây dựng Trường Trung học cơ sở Bình Châu 2.
Khi công trình này chuẩn bị khởi công đã bị người dân phản đối, cho rằng vị trí đất đó do họ khai phá từ nhiều năm qua nên cản trở không cho xây dựng. Hiện ngôi trường này vẫn không thể khởi công.
Mới đây, người dân các xã Xuyên Mộc, Hòa Hội và Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã tập trung về thửa 193, tiểu khu 38 nằm trên địa bàn xã Hòa Hội để bao chiếm, trồng sắn. Đây là khu đất rừng sản xuất rộng 4,6ha do nhà nước giao cho Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu quản lý. Với lý do không còn đất sản xuất, nên nhiều người dân đã tự ý trồng sắn trên diện tích đất bỏ hoang nói trên.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, người dân tổ 2, ấp 4 xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cho biết, năm 1983 vì không quản lý nên cứ khai phá không quản lý, nếu có giấy tờ thì đâu có bị mất. Thời điểm đó nói lấy đất trồng rừng cho nhà nước nhưng không phải trồng rừng cho nhà nước. Mấy người biết được Nghị định 135 là phủ xanh đồi trọc để lấy đất. Bây giờ văn bản này ra, văn bản kia ra rồi cũng đánh trống bỏ dùi, không giải quyết cho dân được gì hết, mất hết.
Xử lý người đứng đầu?
Dư luận tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặt câu hỏi: Vì sao những vụ lấn chiếm đất công này vẫn chưa chấm dứt và liệu các cơ quan, đơn vị được tỉnh giao quản lý, sử dụng đất công có làm lơ cho người dân lấn chiếm làm của riêng?
Người dân xã Bình Châu lấn chiếm đất công làm ao nuôi cá. (Ảnh: Lưu Sơn). |
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, người dân xã Bình Châu cho rằng, vấn đề lấn chiếm, xây nhà trái phép trên đất công người dân hoàn toàn bị động, do chính quyền không công khai những phần đất thuộc nhà nước quản lý.
Chính vì không có thông tin nên người dân cứ sang nhượng bằng giấy tay và tiến hành xây dựng nhà trái phép trên đất công. Có những trường hợp chính quyền còn làm ngơ cho họ xây dựng trái phép. Theo ông Thanh, nên xử lý người đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng này.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy, một số cơ quan, địa phương quản lý chưa chặt chẽ để người dân bao chiếm đất công xây dựng trái phép nhiều năm liền nhưng chưa xử lý dứt điểm. Trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về người đứng đầu các địa phương đã buông lỏng quản lý nên dẫn đến tình trạng kéo dài.
Ông Trần Phúc Chỉnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, chính sách quy định về quản lý đất công trước đây chưa chặt chẽ, chưa bao quát đầy đủ. Khâu tổ chức thực hiện của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được tổ chức thực hiện thường xuyên, nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm chưa kịp thời.
“Khi người ta bắt đầu vào lấn chiếm miếng đất đó thì phải xuất hiện liền, đây là đất nhà nước anh lấn chiếm đất công. Cho người ta ở tiếp tục cũng được nhưng khi nhà nước lấy lại thì mời họ ra. Chúng ta không có giấy giờ chứng minh là người dân lấn chiếm cả, đương nhiên thì đất của của người ta, tức là không thiết lập được cơ sở pháp lý, mà người ta sử dụng từ trước đến nay anh không quản lý được thì hợp thức hóa”, ông Trần Phúc Chỉnh phân tích.
Theo ông Lê Anh Tú, Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để quản lý hiệu quả quỹ đất công điều quan trọng là đơn vị được giao quản lý phải giữ không bị lấn chiếm và phải xây dựng được phương án khai thác. Luật Đất đai đã quy định, đơn vị, địa phương nào để người dân lấn chiếm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
"Hiện nay đa phần quỹ đất công được giao đều bị lấn chiếm. Đương nhiên lấn chiếm sẽ bị thu hồi nhưng nhà nước sẽ tốn thời gian, công sức đôi khi mất chi phí ngân sách để hỗ trợ. Về mặt quy định của Luật Đất đai giao đất cho cơ quan, địa phương quản lý mà để lấn chiếm thì cũng phải có trách nhiệm”, ông Lê Anh Tú nhấn mạnh.
Để quản lý hiệu quả quỹ đất công, hạn chế thất thoát nguồn tài nguyên này, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc người đứng đầu các cơ quan, địa phương đã để xảy ra sai phạm trong thời gian qua./. Hàng nghìn m2 đất công ở Thanh Trì bị sử dụng sai mục đích
HĐND TPHCM “nóng” chuyện quy hoạch treo, quản lý đất công