Đối thoại phòng chống tham nhũng trong quản lý đất đai
Ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém
Sáng 25/11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 8 với chủ đề “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.
Phát biểu khai mạc cuộc đối thoại, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: Ở Việt Nam hiện nay, việc quản lý đất đai còn nhiều hạn chế, yếu kém. Tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai diễn ra ở nhiều nơi; Tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai còn nghiêm trọng gây thất thoát lớn cho tài sản quốc gia và gây bức xúc trong nhân dân. Ông Trần Văn Truyền cho rằng: “Chính phủ Việt Nam mong muốn được chia sẻ, lắng nghe những kinh nghiệm, sáng kiến trong đấu tranh phòng chống tham nhũng của Việt Nam nói chung và phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng. Qua đó giúp Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam nâng cao hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng tham nhũng”.
Tại Hội nghị đối thoại, các đại biểu tập trung phân tích các vấn đề trong công tác phòng chống tham nhũng nói chung và lĩnh vực quản lý đất đại nói riêng. Trong đó tập trung làm rõ thực trạng tham nhũng, tiêu cực; những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách tạo điều kiện nảy sinh tham nhũng đất đai và làm rõ nguyên nhân và những vướng mắc trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch quốc tế tại Việt Nam cho rằng, để giải quyết tình trạng tham nhũng nói chung và lĩnh vực phòng chống tham nhũng trong quản lý sử dụng đất đai, Chính phủ Việt Nam phải có đánh giá tổng thể về phòng chống tham nhũng và hiểu về tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó thông tin minh bạch được ưu tiên hàng đầu.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều điều khoản, điều luật liên quan đến công khai và minh bạch thông tin. Tuy nhiên, những điều khoản này nằm rải rác không tập trung nên cần có phải có một bộ luật về quyền tiếp cận thông tin. Qua đó, người dân có thể tiếp cân thông tin và các quan chức nàh nước tự tin hơn. Đây là biện pháp mạnh mẽ để Chính phủ phòng chống tham nhũng”./.