Dự án nghìn tỷ ở Đà Nẵng chậm tiến độ vì vướng mặt bằng
VOV.VN - Đường vành đai phía Tây thành phố Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào 29/10/2020, nhưng đến nay giá trị thi công thực hiện mới đạt 27% giá trị hợp đồng.
Dự án đường vành đai phía Tây TP Đà Nẵng dài hơn 19km, có 4 cầu lớn. Điểm đầu giao với Quốc lộ 14B tại cuối đường Vành đai phía Nam, điểm cuối nối tiếp vào trục đường chính của Khu công nghệ thông tin tập trung. Dự án có gần 1600 hồ sơ đền bù giải tỏa, bao gồm đất ở, đất nông nghiệp và hồ sơ đất khác.
Hiện nay, công tác giải tỏa đền bù bị chậm nên nhà thầu không có mặt bằng để thi công. Đến thời điểm này, chỉ có 9km được bàn giao mặt bằng nhưng mặt bằng không liên tục, bị gián đoạn (kiểu da beo).
Ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình Giao thông TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân chính là vướng giải tỏa.
“Hiện nay, trên 19 km này hiện nay có mặt bằng là 9 km, chưa có mặt bằng là 10km. Trên đoạn 9 km mặt bằng đó cũng có những vị trí loang lổ, chưa giải tỏa dứt điểm. Hoặc có giải tỏa rồi nhưng chưa thi công được. Ví dụ như không có đường vào, hoặc đã giải tỏa rồi nhưng dân chưa thu hoạch nông nghiệp nên chưa đi, có nhiều cái vướng”, ông Lâm cho biết thêm.
Ông Lê Tam, ở thôn Hương Lam, xã Hoàng Khương, huyện Hòa Vang là một trong những hộ thuộc diện di dời đi nơi khác cho biết, nhà ông có 500 mét vuông phải giải tỏa, trong đó có 1 quán bán bia dọc Quốc lộ 14B. Ông sẵn sàng di dời với điều kiện Nhà nước phải có chỗ tái định cư cho gia đình.
Theo ông Tam, chính quyền đã kiểm định nhà cửa, đền bù đất nông nghiệp, nhưng chưa chỉ được nơi tái định cư cho dân. Trước đây, địa phương đưa ra 3 phương án lựa chọn là: khu tái định cư Hòa Phong, khu tái định cư tại Gò Cà, xã Hòa Khương và khu tái định cư dọc đường vành đai phía Tây mới, đa số người dân trong diện di dời đã chọn tái định cư dọc đường vành đai phía Tây.
“Đất ruộng thì đề bù rồi nhưng bố trí chỗ ở thì chưa nghe nói gì. Huyện di dời đi hẳn đó nhưng chưa có đất thì chưa đi. Xã chỉ mới kiểm định chứ chưa áp giá. Xã đã họp dân mấy lần rồi, hầu hết dân đều chọn phương án tái định cư tại chỗ, dọc đường vành đai phía Tây. Bây giờ mà hỗ trợ thuê nhà ở tạm biết bao giờ cho có đất mà ở. Hỗ trợ thuê nhà cũng được nhưng cũng phải chỉ đất tái định cư cho dân chứ cứ hỗ trợ miết, ai mà chịu cho nổi”, ông Tam nói.
Ông Lê Chước có nhà ngay nút giao Quốc lộ 14 với đường vành đai phía Tây cho biết, qua họp dân, hầu hết người dân nơi đây đều đồng ý tái định cư tại khu tái định cư dọc tuyến vành đai phía Tây. Ông Lê Chước mong sớm có khu tái định cư để làm nhà mới.
“Làm khu tái định cư chưa kịp mà hỗ trợ cho dân thuê nhà rất là khó khăn. Trên 80% dân làm nông nghiệp, bám nhà, bám ruộng, nếu mà hỗ trợ thuê nhà, trên địa bàn thuê xa mà không có ruộng, làm việc khác thì rất khó cho dân. Thứ hai nữa nếu đã có chủ trương làm tái định cư làm sớm, chứ nhà nước chi tiền cho dân thuê nhà như thế rất phí tiền Nhà nước. Cho nên tôi đề nghị xúc tiến làm sớm”, ông Chước nêu ý kiến.
Thực tế cho thấy, để xây dựng khu tái định cư dọc tuyến vành đai phía Tây này thì lại vướng chuyện giải tỏa mặt bằng với số lượng giải tỏa khá lớn, nhu cầu tái định cư khá cao. Đã vậy, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương còn chậm chạp nên Dự án khu tái định cư này vẫn chưa được triển khai.
Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho biết, dự án đường Vành đai phía Tây này hiện còn 570 hồ sơ chưa giải phóng mặt bằng, trong đó 359 hồ sơ đất ở.
Trước những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng tại dự án này, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần họp với các ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc. Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã từng chất vấn và nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan dự án này.
Ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng lưu ý chính quyền địa phương và các ngành liên quan khi thực hiện việc đền bù, di dời mồ mả sao cho phù hợp với tâm linh và nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Mồ mả khi di dời phải có khu tái định cư, hạ tầng tốt hết chưa, bố trí khu vực đã thỏa mãn dân chưa, phải phù hợp với tâm linh của người nông thôn, đi mùa nào cho phù hợp. Vấn đề này không thể áp đặt ý chí được”, ông Trung nêu rõ.
Kiểm tra tình hình thực tế tại dự án này, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND TP vận dụng tốt nhất mức hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề cho người dân di dời tái định cư theo Nghị định 47 của Chính phủ. Trước mắt, yêu cầu chính quyền huyện Hòa Vang hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp vào ngày 30/9 tới.
Ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban Quản lý dự án và Hội đồng giải phóng mặt bằng tập trung giải quyết những khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công.
“Thủ tục nào có thể rút ngắn được thì nên giản lược đi. Tôi đề nghị các cơ quan tham mưu, giúp việc giám sát, đánh giá trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện các Kết luận của lãnh đạo thành phố. Các ngành, địa phương phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố trong thời gian tới đây”, ông Quảng nhấn mạnh./.