Dừng giải ngân gói 30.000 tỷ: Người thu nhập thấp gặp khó
VOV.VN - Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng sắp đáo hạn nhiều người mua nhà phải đau đầu lo lắng phải chịu lãi suất thỏa thuận với ngân hàng.
Đến thời điểm này, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ người thu nhập thấp vay tiền mua nhà đã đi gần hết chặng đường 3 năm. Đã có nhiều vướng mắc ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện, thì nay, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng lại đang tiếp tục khiến nhiều người mua nhà phải đau đầu vì lo các khoản giải ngân sau thời điểm kết thúc là 1/6 tới sẽ phải chịu lãi suất thỏa thuận với ngân hàng.
Bên cạnh đó, trên thị trường cũng đang xuất hiện nhiều chiêu thức lách luật nhằm “vét khách” trước khi dừng giải ngân gói ưu đãi này.
Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng để làm rõ những nội dung mà dư luận đang quan tâm.
PV: Trước hết, xin ông cho biết tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến thời điểm hiện nay, và dự kiến đến 1/6/2016, gói này có giải ngân đạt tiến độ đề ra hay không?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Gói hỗ trợ 30.000 tỷ được triển khai theo Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2013. Cho đến nay sau gần 3 năm thực hiện, đã có khoảng 45.000 hộ gia đình, cá nhân đã được ký hợp đồng vay vốn và trên 60 doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội được ký hợp đồng vay vốn.
Cho đến thời điểm hiện nay đã có trên 29.500 tỷ đồng đã được các ngân hàng thương mại ký cam kết với các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân, và trên 20.300 tỷ đồng đã được giải ngân. Dự kiến đến 1/6, việc giải ngân đạt được khoảng 85%, như vậy chỉ còn khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng chưa được giải ngân sau 1/6/2016.
Ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng |
PV: Nhiều người mua nhà hiện đang rất lo lắng khi biết những khoản giải ngân sau ngày 1/6 tới sẽ phải chịu lãi suất theo thỏa thuận với ngân hàng, chứ không được hưởng lãi suất ưu đãi 5%. Xin ông cho biết về phía Bộ Xây dựng có đề xuất, kiến nghị gì với Ngân hàng Nhà nước để tìm giải pháp tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp tục được vay tiền mua nhà với lãi suất ưu đãi?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Việc thực hiện giải ngân 30.000 tỷ đồng sẽ kết thúc sau khi giải ngân hết gói 30.000 tỷ đồng hoặc chậm nhất sau 36 tháng tức là đến 1/6/2016 kết thúc đã nằm trong tính toán của Ngân hàng Nhà nước cũng như trong các hợp đồng tín dụng vay vốn mà các ngân hàng thương mại đã ký với khách hàng.
Sau 1/6/2016, những hợp đồng đã ký kết nhưng chưa được giải ngân, hoặc những hợp đồng đã ký kết và đã được giải ngân nhưng chưa giải ngân hết thì xảy ra một số vấn đề. Thứ nhất là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải trả cho các ngân hàng thương mại theo lãi suất thỏa thuận, như thế bắt buộc các chủ đầu tư phải nâng giá nhà lên. Thứ 2 là các hộ gia đình, cá nhân được vay vốn mà chưa được giải ngân sẽ phải chi trả thêm phần tăng lãi suất. Do vậy việc tăng lãi suất sẽ gây khó khăn nhất định đối với những người có nhu cầu vay vốn, đã được cam kết vay vốn những chưa được giải ngân.
Ngày 15/3/2016, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét, cân nhắc để kéo dài thời hạn thực hiện gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ cho đến khi giải ngân hết, nhằm mục đích giúp cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn ưu đãi, đặc biệt là giúp cho các hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn về nhà ở, có thu nhập thấp, không thể chi trả theo cơ chế thị trường có điều kiện để được vay hỗ trợ ưu đãi từ gói này để cải thiện nhà ở.
PV: Đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước hay chưa?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Bộ Xây dựng chúng tôi chưa nhận được ý kiến chính thức của Ngân hàng Nhà nước.
PV: Đây cũng là thời điểm nhiều chủ đầu tư và các sàn bất động sản tư vấn những cách thức để người mua nhà được ngân hàng giải ngân trước thời điểm 1/6/2016, chẳng hạn như làm giấy đề nghị thanh toán trước hạn, hay chia nhỏ hợp đồng với những căn hộ có giá vượt quá quy định. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Theo quy định của pháp luật đầu tư xây dựng cũng như pháp luật về nhà ở và pháp luật về tín dụng, việc giải ngân vay vốn hỗ trợ nhà ở phải thực hiện theo tiến độ và việc triển khai bán nhà cũng bắt buộc phải có sự xác nhận đủ điều kiện của Sở Xây dựng địa phương. Có thể khẳng định rằng, tất cả những hiện tượng lách luật, thanh toán trước thời hạn không đúng tiến độ đều là những hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý khi các cơ quan chức năng phát hiện.
Chúng tôi được biết hiện nay ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại kiểm tra, rà soát lại các thủ tục, hợp đồng cho vay để phát hiện và xử lý tình trạng lách luật và thực hiện quy trình vay vốn không đúng quy định của pháp luật.
PV: Không thể phủ nhận gói 30.000 tỷ đồng đã mang đến rất nhiều lợi ích cho các chủ đầu tư cũng như người mua nhà. Tuy nhiên trong quá trình 3 năm thực hiện đã có những vướng mắc nhất định. Vậy theo ông, cơ quan chức năng có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì sau gói 30.000 tỷ này?
Ông Nguyễn Trọng Ninh: Cơ chế hỗ trợ về tài chính, các ưu đãi đối với đối tượng người thu nhập thấp theo quy định của pháp luật về nhà ở là vấn đề rất cần thiết. Cho nên chúng tôi cho rằng để cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống thì thứ nhất là phải ban hành đồng bộ, quy định rõ đối tượng, điều kiện, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn hỗ trợ như thế nào thì khi triển khai đỡ vướng mắc.
Ngoài ra, phải chuẩn bị được nguồn lực hỗ trợ, bởi vì ở đây đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua vốn ngân sách, thông qua tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước… thì phải tính toán, dự trù, dự báo được nguồn lực này và bố trí sẵn sàng để khi triển khai tránh sự chậm trễ.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai hỗ trợ cần sự kiểm tra, kiểm soát, thanh tra của các cơ quan chức năng, tránh tình trạng lợi dụng cơ chế chính sách để trục lợi, hoặc những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến nguồn lực của Nhà nước cũng như của các tổ chức, cá nhân./.
PV: Xin cảm ơn ông./. Gói 30.000 tỷ đồng sắp hết hạn giải ngân: Đem “con”... bỏ chợ?