Hà Nội tiếp tục phát sinh hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo
VOV.VN - Sau nhiều lần thành phố Hà Nội quyết tâm xử lý vẫn chưa dứt điểm thì đến nay những nhà siêu mỏng, siêu méo lại tiếp tục phát sinh.
Gần đây, dư luận rất bức xúc khi hàng loạt nhà siêu mỏng, siêu méo, làm mất mỹ quan đô thị lại xuất hiện tại một số đoạn đường mới mở trên địa bàn TP Hà Nội.
Điều này đặt ra câu hỏi, vì sao sau nhiều lần lãnh đạo thành phố Hà Nội thể hiện quyết tâm xử lý dứt điểm, nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo cũ chưa giải quyết được hết thì lại phát sinh thêm? Phải chăng, Hà Nội vẫn chưa có giải pháp để xử lý tận gốc vấn đề này, cũng như việc quản lý của chính quyền sở tại còn lỏng lẻo?
Những ngôi nhà móp méo tại phố Tôn Thất Tùng, Hà Nội. |
Có ngôi nhà diện tích khoảng chục m2 dựng lên 5 tầng kiên cố, còn nguyên màu sơn mới, từ tầng 2 xây đua ra khoảng 1 mét. Nhà có góc nhọn tam giác, tứ giác, đủ kiểu hình thù đều được xây lên nhanh chóng.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, người dân ở khu vực này bức xúc, nhiều rẻo đất sau khi giải phóng mặt bằng chỉ còn vài m2, thậm chí chỉ như bức tường vẫn được chủ sở hữu “hét giá” tiền tỷ với các hộ phía sau, khiến họ không có khả năng mua lại để hợp thửa, hợp khối. Người dân đã kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng không hiểu sao những ngôi nhà kiểu này vẫn được xây dựng, khiến cho đường mới làm mà đã nhếch nhác, lộn xộn.
“Không biết là người ta quan hệ xã hội thế nào nhưng những nhà siêu mỏng, hình chéo, hình tam giác đây người ta vẫn làm bình thường. Rõ ràng bộ mặt đô thị nhìn xấu đi, trong khi nếu làm thẳng hoặc khống chế khi đường mới mở là chỉ xây 3 tầng hay 5 tầng thì đường sẽ rất đẹp”, ông Hùng cho biết.
Trên một số đoạn đường mới mở khác ở quận Đống Đa như Nam Đồng kéo dài, Khương Thượng kéo dài đều xuất hiện nhà siêu mỏng, siêu méo. Những ngôi nhà khoảng chục m2 xây cao 4 hay 5, 6 tầng, dù siêu mỏng hay hình chéo, hình tam giác vẫn cứ đua nhau “mọc lên”. Trước đó, báo chí cũng đã phản ánh nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên trên đường Trường Chinh, đường Bưởi – Võ Chí Công...
Cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị 20 về tăng cường quản lý đất đai, quy hoạch kiến trúc, cấp phép xây dựng, xử lý đất không đủ điều kiện mặt bằng xây dựng.
Theo đó, yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện giải quyết dứt điểm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại và không để phát sinh mới; thực hiện nghiêm túc việc thu hồi đất sau khi hết thời hạn hợp thửa, hợp khối; kiểm tra, kiểm soát tình hình, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhận định, chủ trương xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo của Hà Nội rất quyết liệt, nhưng trong thực thi, các cấp dưới giải quyết không nghiêm, dẫn đến nhà mỏng, méo vẫn tồn tại.
“Thành phố có chương trình và giao nhiệm vụ cho các quận, huyện, tổng kết vừa rồi báo cáo là đã giảm đi khá nhiều, nhất là ở những tuyến đường lớn. Những công trình siêu mỏng, siêu méo, hình thù không hợp lý ở các tuyến đường tồn tại bao năm vừa qua đã được quyết liệt xử lý nhưng không hiểu sao bây giờ lại để xuất hiện mới? Tất cả đều là do quản lý, trong thực hiện các tuyến phố văn minh đô thị, trong các chương trình thành phố đều đã phân cấp”, ông Nghiêm cho biết.
Theo ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Đại học Xây dựng, thành phố Hà Nội vẫn chưa giải quyết được gốc của vấn đề. Nhà siêu mỏng, siêu méo hình thành từ những lô đất mỏng, méo trong quá trình làm các con đường mới đi xuyên qua khu dân cư cũ, nên cần xử lý những thửa đất này trước khi để người dân xây dựng.
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, cách tốt nhất là làm sao cho hộ ở lô đất phía trong mua được thửa đất còn lại phía trước để hợp khối. Hiện vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng và rõ ràng, nên việc hợp thửa, hợp khối không hiệu quả. Nhà nước cần quy định cụ thể về giá đất siêu mỏng, siêu méo, không phù hợp để xây dựng khác với giá đất trên cùng trục đường đó.
“Những lô đất siêu mỏng siêu méo hình thành ngay từ khi quy hoạch nhưng chưa tìm ta được giải pháp sử dụng một cách hợp lý, dẫn đến khó khăn trong quản lý nên người dân tiếp tục khai thác. Nếu nhà nước thu mua lại rồi bán lại cho nhà bên trong với giá ưu đãi hơn cũng là biện pháp tốt”, ông Cường nêu ý kiến.
Theo kết quả kiểm tra cuối năm ngoái, tại 11 quận, huyện của Hà Nội, còn tới 214 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo tồn đọng dai dẳng, chưa được giải quyết dứt điểm, chủ yếu tập trung tại các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân.
Việc tiếp tục phát sinh thêm nhà siêu mỏng, siêu méo cho thấy có sự quản lý chưa nghiêm, thậm chí buông lỏng, tiêu cực của chính quyền sở tại. Rõ ràng, nếu không có biện pháp mạnh tay hơn, thì Hà Nội khó có thể xử lý được vấn đề này./.