Khai thác đất "núp bóng” dự án sản xuất nông nghiệp
VOV.VN - Dự án xây trang trại sản xuất nông nghiệp có tận thu khoáng sản (đất) nhưng đến khi hết thời hạn xây dựng, toàn bộ khu vực dự án chỉ là khai trường.
Dự án nông nghiệp được gia hạn để khai thác đất?
Tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép số 416 khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Thượng mại Xây dựng và Đầu tư Khánh Toàn (Công ty Khánh Toàn) thi công san nền “Dự án đầu tư chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt theo hướng công nghiệp và trồng cây ăn quả lâu năm kết hợp chăn nuôi thủy sản của hộ ông Nguyễn Minh Xuân thôn Bản Hậu, xã Tử Du (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) để làm đất nguyên liệu sản xuất gạch ceramic, trên khu đất hơn 2 ha.
Sau 2 năm triển khai, đến ngày 22/8/2019, dự án hết hạn quá trình san nền đầu tư xây dựng công trình nhưng tại khu vực dự án, chỉ có máy xúc, máy ủi và đoàn xe tải hối hả ra vào khai thác đất. Quả đồi to lớn bị đào bới tan hoang không có bất kỳ một công trình nào được xây dựng. Mục tiêu chính của dự án là san nền xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp, khai thác tận thu khoáng sản (đất, cao lanh) chỉ là phụ. Thực tế, khai thác đất đang là chính.
Dự án xây trang trại sản xuất nông nghiệp có tận thu khoáng sản (đất) nhưng đến khi hết thời hạn xây dựng, toàn bộ khu vực dự án chỉ là khai trường. |
Ông Hà Thành Tích, Chủ tịch UBND xã Tử Du cho biết: “Thời gian thực hiện dự án của Công ty Khánh Toàn là do cấp có thẩm quyền cho phép, thời gian kéo dài, dự án hết thời hiệu lại được cơ quan chức năng gia hạn để xây dựng cơ sở hạ tầng.”
Không có hoạt động xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo phương án được phê duyệt nhưng “kỳ lạ”, tỉnh Vĩnh Phúc lại “ưu ái” gia hạn thời gian san nền và tận thu khai thác khoáng sản cho Công ty Khánh Toàn!?
Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ông Nguyễn Văn Khước ký giấy phép 2041 gia hạn thêm 10 tháng cho Công ty TNHH Thượng mại Xây dựng và Đầu tư Khánh Toàn. Theo đó, Công ty “tiếp tục được khai thác, vận chuyển đất dự thừa trong quá trình đầu tư thực hiện dự án nông nghiệp.” Và khu vực khai trường lại tấp nập xe vào “ăn đất”.
Khai thác đất từ lâu là nỗi bức xúc của người dân
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch thừa nhận việc doanh nghiệp khai thác đất trên địa bàn huyện từ lâu là nỗi bức xúc của người dân địa phương. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy xe tải lớn chở đất lưu thông vào các con đường dân sinh làm hư hỏng đường và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Huyện Lập Thạch vẫn thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng, phối hợp với sở ban ngành kiểm tra giám sát. Nhưng kiểm tra hiện trạng khai thác ở trong các mỏ phải thành lập đoàn liên ngành, cơ quan chuyên môn để xác định sai phạm.
“Câu chuyện khai thác khoáng sản không đổ lỗi cho ai cả. Nhưng nói về trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về UBND cấp xã, sau đó sẽ là chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng khai thác đất trái phép. Còn công tác cấp phép việc khai thác như thế nào cho đảm bảo thì thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan quản lý cấp tỉnh” - ông Tuấn nói.
Việc khai thác đất trộm, người dân tự ý hạ cốt nền các đồi trồng cây lâu năm để làm nhà khi không được cơ quan chức năng đồng ý, ở địa bàn xã nào mà không phát hiện được thì chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm, ông Tuấn cho biết thêm
Theo UBND huyện Lập Thạch trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều biện pháp để quản lý việc khai thác khoáng sản đi vào quy củ. Thế nhưng, những đoàn xe tải cỡ lớn từ mỏ khai thác đất vẫn nối đuôi nhau hằng ngày, hàng giờ cùng nhau xẻ thịt đất đồi dưới “vỏ bọc” dự án xây dựng cơ sở sản xuất nông nghiệp./.
Ngang nhiên mua đất đồi trồng cây lâu năm để khai thác đất