Khó khăn trong quản lý xây dựng các khu dân cư tự phát ở Bắc Kạn
VOV.VN - Việc quản lý xây dựng các khu dân cư tự phát ở thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế.
Tại thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, một đô thị đang phát triển, nhu cầu về nhà ở của người dân tăng cao những năm gần đây. Đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự đứng ra san ủi tạo mặt bằng xây dựng nhà cửa hoặc bán đất nền làm khu dân cư. Tuy nhiên, việc quản lý chưa được tốt, những hoạt động này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do sạt lở cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Những hạ tầng thiết yếu như điện, nước, đường giao thông tại khu dân cư tự phát thuộc tổ 12, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn đều không đảm bảo. |
Khoảng 7-8 năm trước, khi một khu dân cư tại tổ 12, phường Phùng Chí Kiên được một đơn vị hoàn thành san lấp, nhiều người dân đã tìm đến mua đất với mong muốn có được nơi an cư lạc nghiệp.
Tuy vậy, cho đến nay, chỉ một số ít hộ dân có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp, còn lại phần lớn đều không thể chuyển đổi như lời hứa của chủ đầu tư. Một khu đất rộng tới vài ha đã bán gần hết nhưng chỉ một số ít hộ dân làm nhà trong điều kiện không có hạ tầng cơ bản như điện, nước, đường giao thông.
Ông Triệu Đức Quang, một người dân đã mua đất ở đây từ năm 2013 cho biết, "Hỏi thì cũng chỉ bảo là thanh tra xong rồi, mà chủ đất thì bảo nộp thuế xong rồi, bây giờ cũng không biết vướng ở chỗ nào mà không cấp sổ cho dân, để tạo điều kiện cho người dân có chỗ ở, xây dựng gia đình rồi ổn định cuộc sống".
Nhiều hộ dân khu vực tổ 16, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn mua đất tại khu dân cư do người dân tự san ủi dưới những taluy cao tới vài chục mét, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
|
Không chỉ vậy, việc san gạt này còn khiến cho con đường thoát nước của một khu dân cư khác bị chặn lại. Nhiều năm nay, mỗi khi trời mưa lớn nhiều nhà bị nước tràn vào đến ngang tường. Năm 2018, chính quyền thành phố Bắc Kạn đã cho đặt thêm cống, nhưng tình trạng vẫn chưa được cải thiện.
"Mỗi lần mưa khu ngã ba này là ngâp hết, bây giờ đường làm xong rồi vẫn không tiêu được, nhưng hộ bị thấp này mưa xong đọng bùn lại phải rửa đường. Vài hộ chung nhau mua máy bơm để rửa đường chứ không thì bụi cũng không chịu được", bà Đoàn Thị Hoa, một người dân sinh sống ở khu vực này cho hay.
Người dân tại tổ 16, phường Sông Cầu cho đến nay vẫn chưa quên được sau một trận mưa lớn vào tháng 7/2017, căn nhà của chị Đinh Thị Diệp đã bị vùi lấp hoàn toàn.
Sau hơn 2 năm, chị Đinh Thị Diệp, tổ 16, phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn buộc phải bỏ lô đất đã mua vì đất đá tiếp tục sạt lở.
|
Nguyên nhân là chị cùng một số hộ khác đã mua lại thửa đất mới được san ủi trước đó, và khu vực này nằm dưới chân một ta luy đất cao đến vài chục mét. Tháng 7/2018, nhiều hộ dân tại khu vực tổ 4 phường Đức Xuân cũng một phen tá hỏa khi hàng trăm mét khối đất đá sạt xuống khu dân cư phía dưới….
Điều này cho thấy những bất cập cũng như nguy cơ tiềm ẩn về sự mất an toàn mà các khu dân cư theo kiểu tự phát đem lại, cũng đồng nghĩa với sự quản lý còn lỏng lẻo của lực lượng chức năng địa phương.
Với điều kiện địa hình chủ yếu là đồi núi, quỹ đất eo hẹp nên trên địa bàn thành phố Bắc Kạn thường xuyên có các hoạt động đào đồi, san gạt mặt bằng. Phần lớn các hoạt động này đều do các hộ gia đình tự triển khai hoặc do một số đơn vị đứng ra thực hiện. Quy mô san ủi thường từ vài trăm tới vài chục nghìn mét vuông.
Để hạn chế tình trạng này, ngày 24/07/2017 UBND thành phố Bắc Kạn đã ban hành Hướng dẫn số 02 về việc quản lý san ủi, đào đắp đất khi cải tạo mặt bằng trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc san ủi phải phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất, không gây hủy hoại môi trường xung quanh và phải đảm bảo an toàn trong xây dựng. Tuy nhiên, thực tế thời điểm hiện tại vẫn có nhiều khu vực vẫn bạt đồi san gạt sai phép, thậm chí là không phép.
Một khu dân cư do người dân tự san ủi tại tổ 12, phường Phùng Chí Kiên chuẩn bị hoàn thành. Để có được mặt bằng xây dựng, hàng trăm nghìn m3 đất đá đã được san gạt.
|
Ông Nông Viết Vỹ, Chủ tịch UBND phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn cho biết, trong năm 2017 -2018 đơn vị đã xử phạt ít nhất 5 trường hợp san ủi không phép, sai phép và ra quyết định đình chỉ nhiều trường hợp khác.
"Chúng tôi gặp nhiều trở ngại, thứ nhất là công tác thông tin, văn bản gửi đến phường là chậm. Thứ hai là công tác phối hợp để giám sát theo dõi tổ chức, cá nhân thực hiện dự án này là khó do họ làm vào ngày nghỉ, ban đêm. Thứ ba nữa là họ làm vượt so với giấy phép thì một, hai năm sau nó mới gây hậu quả, sạt lở", ông Vỹ nói.
Ông Hà Đức Trường, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Bắc Kạn cho biết thêm, hiện ngay cả với những dự án xây dựng hạ tầng khu dân cư đô thị mang tính chất xã hội hóa có quy mô vừa thì địa phương vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, cho đến nay nhiều dự án thành phố trình các cơ quan thẩm định vẫn chưa thể thông qua.
"Các khu dân cư xã hội hóa hiện nay mình trình thì khó nhất là cách quản lý nay mai như thế nào. Đây là điều khó khăn nhất hiện nay. Do vậy, Sở Xây dựng đã chủ trì mời các ngành cùng cho ý kiến, tuy vậy đến nay nhiều ý kiến vẫn chưa thống nhất được nên rất khó khăn cho cơ sở", ông Trường chia sẻ.
Thực tế những khó khăn, tồn tại trên cũng không phải của riêng thành phố Bắc Kạn mà đang là thực trạng chung của toàn tỉnh. Bên cạnh việc nâng cao ý thức của người dân trong việc tự đảm bảo an toàn cho bản thân gia đình thì thiết nghĩ, sự vào cuộc một cách tích cực, chặt chẽ hơn của lực lượng chức năng cùng chính quyền các phường, xã cũng là điều cần thiết để chấn chỉnh tình trạng đáng báo động này./. Giá nhà đất tăng phi mã?: Các nhà đầu tư sau cùng sẽ ’ôm bom’
Siết quản lý đất đai tại huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang