Khối tài sản khổng lồ “nằm dài” với một vụ án dân sự “xử sao cũng được”

VOV.VN - Vụ kiện Dự án khu dân cư Hòa Lân tại thành phố Thuận An (Bình Dương) kéo dài và thiệt hại về phía doanh nghiệp tham gia đấu giá tài sản phát mại.

Vụ việc Dự án khu dân cư Hòa Lân thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, đặc biệt với các doanh nghiệp, vì là một tiền lệ án liên quan lĩnh vực phát mãi đấu giá tài sản, giải cứu nợ xấu… Trước khi Tòa án nhân dân quận 7 (TPHCM) thụ lý vụ án, sự việc đã được giải quyết ở tầm Chính phủ khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Agribank và Bộ Tư pháp có báo cáo.

Cả ngàn bài báo viết về cuộc đấu giá, phản ánh quan điểm các chuyên gia cho rằng tính hợp pháp của cuộc đấu giá đã được cơ quan chuyên ngành là Thanh tra Bộ Tư pháp làm rõ; là tiền đề chắc chắn để tòa nhanh chóng ra quyết định hợp tình hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên đất đai, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, không ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư. Thế nhưng từ khi thụ lý vụ án đến nay kéo dài gần hai năm, vụ án tiếp tục để “dây dưa” sự việc.

Những vi phạm trước khi xét xử

Ngày 21/2/2019, Tòa án nhân dân quận 7 nhận được đơn khởi kiện của Thiên Phú kiện Công ty Nam Sài Gòn, yêu cầu hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá Khu dân cư Hòa Lân ngày 25/5/2017. Trong đơn và tài liệu gửi kèm, không xác định địa chỉ trụ sở của bị đơn ở quận 7 làm cơ sở xác định thẩm quyền thụ lý vụ án. Thế nhưng vài ngày sau, Tòa án nhân dân quận 7 vẫn ra thông báo thụ lý vụ án. Tập đoàn Kim Oanh cho rằng việc thụ lý vừa sai, vừa nhanh bất thường này, phản ánh quan hệ không bình thường giữa thẩm phán Phơ và phía nguyên đơn. 

khoi tai san khong lo "nam dai" voi mot vu an dan su "xu sao cung duoc" hinh 1
Quy hoạch khu  dân cư Hòa Lâm.

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo lãnh thổ, với tranh chấp bất động sản (BĐS) chỉ thuộc về tòa án nơi có bất động sản. Vụ kiện này, bản chất là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản đấu giá mà đối tượng là BĐS Dự án khu dân cư Hòa Lân tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương, vì vậy phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thành phố Thuận An. Song bất chấp quy định trên, Tòa án nhân dân quận 7 vẫn thụ lý giải quyết.

Tòa án nhân dân quận 7 “bám víu” vào lý do quận 7 là nơi đặt trụ sở của Công ty Nam Sài Gòn để thụ lý vụ kiện. Nhưng thực tế từ ngày thụ lý vụ án, bị đơn này chưa một lần xuất hiện.

Trong vụ kiện Dự án khu dân cư Hòa Lân, khi giữa tháng 3/2020 thụ lý đơn kiện bổ sung của Công ty Thiên Phú kiện Agribank. Theo điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật TTDS, tòa án có thẩm quyền thụ lý yêu cầu này phải là TAND quận Ba Đình (Hà Nội), nơi Agribank đặt trụ sở chính. Thế nhưng thay vì hướng dẫn Công ty Thiên Phú khởi kiện tại Hà Nội, Tòa án nhân dân quận 7 vẫn thụ lý trái luật. 

Trong đơn khởi kiện ban đầu, Công ty Thiên Phú yêu cầu “tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01 -10/2017/HĐMBTSĐG vô hiệu do vi phạm điều cấm” và “hủy kết quả vụ bán đấu giá Dự án khu dân cư Hòa Lân”. Theo Điều 72 Luật Đấu giá, trong hai yêu cầu trên, yêu cầu thứ 2 là hệ quả tất yếu chỉ khi yêu cầu thứ 1 được chấp nhận. Vì thế vụ án chính ở đây là “tuyên bố Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị vô hiệu”.

Thế nhưng tại Thông báo thụ lý số 20/2019/TB-TLTA cho rằng “thụ lý vụ án Hợp đồng bán đấu giá”. Đến ngày 27/8/2019, khi thông báo thụ lý bổ sung được sửa tên gọi là “Tranh chấp Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá”. Những vi phạm về xác định tên gọi khiến vụ án thụ lý không đúng yêu cầu, gây ra sai sót từ gốc rễ, “gây nhiễu” tùy tiện.

Trong yêu cầu khởi kiện bổ sung, Công ty Thiên Phú đòi tòa tuyên bố hợp đồng tín dụng giữa Công ty Thiên Phú và Agribank vô hiệu. Theo khoản 1 Điều 42 BLTTDS, hai đơn của Công ty Thiên Phú kiện hai cơ quan tổ chức khác nhau với hai nội dung khác nhau, nên không thể gộp làm một. Hơn nữa, theo khoản 3, khoản 6 Điều 68 BLTTDS, thì trong một vụ án, Agribank không thể tham gia tố tụng với tư cách vừa là bị đơn; vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được. Vậy nhưng việc vẫn thụ lý theo kiểu “nhốt chung tất cả vào một rọ”. 

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch với tài sản đang tranh chấp”. Theo luật, bên đưa ra yêu cầu “cấm chuyển dịch” phải nộp khoản tiền tương ứng với số tiền mà chủ tài sản bị thiệt hại trong thời gian bị “cấm chuyển dịch”, để đền bù nếu chủ tài sản được tuyên vô can.

Trong vụ kiện này, khối tài sản đó là dự án Hòa Lân, giá trị “bèo” nhất cũng 1.353 tỷ đồng (thời điểm mua đấu giá trúng tháng 5/2017). Chỉ tính theo lãi suất cho vay của ngân hàng (khoảng 8%/năm) mỗi tháng vì bị cấm chuyển dịch mà Kim Oanh đã thiệt hại ít nhất 9 tỷ, một năm 110 tỷ. Thế nhưng Tòa án nhân dân quận 7 lại chỉ buộc nguyên đơn phải “ký quỹ”… 1 tỷ đồng.

khoi tai san khong lo "nam dai" voi mot vu an dan su "xu sao cung duoc" hinh 2
Dự án khu dân cư Hòa Lân được Công ty Thiên Phú cắm biển dự án. 

Thời gian đưa vụ án ra xét xử, theo Điều 203 BLTTDS, trong 4 tháng kể từ ngày thụ lý, vụ án phải được đưa ra xử, nếu có trở ngại thì Chánh án quận mới có quyền gia hạn không quá 2 tháng. Tuy nhiên, từ ngày thụ lý 27/2/2019 và thụ lý bổ sung 15/3/2019 đến ngày 27/8/2019 (gần 6 tháng), Tòa án nhân dân quận 7 không tiến hành các thủ tục như hòa giải, đối chất, lấy ý kiến, công khai chứng cứ.

Nguyên đơn rút đơn, tòa vẫn đưa ra xét xử

Hơn một năm sau ngày thụ lý, mãi đầu tháng 3/2020 vụ án mới được đưa ra xử. Trước đó, dù bị Tập đoàn Kim Oanh gửi đơn tố cáo vi phạm tố tụng đến nhiều nơi, ngày 15/2/2020, Thẩm phán sơ cấp, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân quận 7 Lê Thị Phơ vẫn được bổ nhiệm làm Phó Chánh án Toà án nhân dân quận 7.

Sau đó dồn dập các sự kiện xảy ra: Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Công ty Thiên Phú, bị Bộ Công an bắt vì lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ của Tập đoàn Kim Oanh trong quá trình chuyển giao chính dự án này. Hàng loạt thương vụ khuất tất mua bán vốn của Công ty Thiên Phú cho thấy một số đối tượng quyết “đổi chủ” Thiên Phú chỉ để lấy tư cách kiện tụng.

Khi phiên sơ thẩm diễn ra, một người trong thành phần bị triệu tập bị nghi liên quan Covid-19. Phiên xử ngưng lại. Rồi Giám đốc Công ty Thiên Phú bị bắt. Ngày 10/4, ông Nguyễn Văn Tuấn, người mới được ông Sơn bổ nhiệm là Phó giám đốc Thiên Phú, có đơn gửi Tòa án nhân dân quận 7 đòi đưa hai “cổ đông mới” vào “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong vụ kiện.

Dù Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT Bình Dương có văn bản gửi TAND quận 7, khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi này. Nghĩa là bà Phạm Thị Hường và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu chưa là cổ đông mới của Thiên Phú. Thế nhưng theo biên bản làm việc sáng 9/6, thẩm phán Phơ vẫn cho biết yêu cầu của bà Hường, bà Châu được tham gia vụ kiện với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” vẫn được tòa “đang xem xét”. Trong quyết định “Đưa vụ án ra xét xử” vào ngày 14/7/2020, vẫn có tên bà Hường, bà Châu.

Vụ án đã được đưa ra xử sơ thẩm và bị hoãn, có nghĩa các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đã thực hiện hoàn tất. Thế nhưng khi bà Châu gửi Đơn yêu cầu độc lập ngày 18/5/2020 và dù bà Châu không phải người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vụ án, nhưng thẩm phán Phơ vẫn mở phiên họp xem xét giải quyết đơn yêu cầu độc lập của bà Châu; kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Như vậy là thực hiện quy trình vừa “ngược”, vừa sai luật.

Giữa tháng 5/2020, từ trại giam, ông Sơn Giám đốc Công ty Thiên Phú có đơn gửi Toà án nhân dân quận 7, xin rút toàn bộ đơn kiện, rút ủy quyền. Ngày 25/6/2020, đích thân thẩm phán Phơ đã vào trại giam lấy lời khai ông Sơn.   

Tòa án nhân dân quận 7 phải ra quyết định đình chỉ vụ kiện, hủy bỏ quyết định “phong tỏa” Dự án khu dân cư Hòa Lân. Thế nhưng một ngày sau đó, thẩm phán Phơ vẫn ra quyết định “đưa vụ án ra xét xử”. Và ngày 14/7/2020, khi mở phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân quận 7 lại quyết định hoãn phiên xử do luật sư của bên nguyên đơn vắng mặt. Dự định ngày 4/8/2020 tới đây Tòa án nhân dân quận 7 sẽ mở lại phiên xử.

Đại diện Tập đoàn Kim Oanh cho biết: “Những vi phạm của thẩm phán sơ cấp đã gây ra rất nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, nguy cơ tạo ra một tiền lệ xấu trong đấu giá tài sản, giải cứu nợ xấu cũng như hoạt động xét xử…”. 

Dấu hiệu của vụ án hình sự chiếm đoạt vốn góp Công ty Thiên Phú ra sao? Những khó khăn thiệt hại của Tập đoàn Kim Oanh cần được làm rõ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cân nhắc chính sách xây dựng và quản lý các khu dân cư ở TPHCM
Cân nhắc chính sách xây dựng và quản lý các khu dân cư ở TPHCM

VOV.VN -Trước sự lộn xộn trong quy hoạch các khu dân cư ở TPHCM, các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần có một mẫu chuẩn để xây dựng các khu dân cư hoàn thiện.

Cân nhắc chính sách xây dựng và quản lý các khu dân cư ở TPHCM

Cân nhắc chính sách xây dựng và quản lý các khu dân cư ở TPHCM

VOV.VN -Trước sự lộn xộn trong quy hoạch các khu dân cư ở TPHCM, các chuyên gia cho rằng, TPHCM cần có một mẫu chuẩn để xây dựng các khu dân cư hoàn thiện.