Người dân và doanh nghiệp “đổ máu” do mâu thuẫn, tranh chấp đất đai

VOV.VN - Mới đây, nhiều người dân ở thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận và một doanh nghiệp trên địa bàn xảy ra xung đột liên quan đến đất đai.

Doanh nghiệp được cấp đất cho rằng, người dân lấn chiếm đất đã được quy hoạch dự án, trong khi người dân khẳng định, việc cấp đất cho doanh nghiệp là chưa rõ ràng, bởi đất do họ khai hoang. Sự thiếu minh bạch, trong chứng minh nguồn gốc đất khi giao cho doanh nghiệp khiến mâu thuẫn giữa hai bên bị đẩy lên cao.

Đổ máu vì tranh chấp đất

Thời gian gần đây, một số hộ dân ở thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận và Công ty TNHH Bạch Hồ xảy ra mâu thuẫn liên quan đến đất đai. Đỉnh điểm là ngày 8/6 vừa qua, hàng chục người đã ngăn chặn nhân viên Công ty Bảo vệ Đức Tuấn, đơn vị được Công ty TNHH Bạch Hồ thuê để bảo vệ xây hàng rào tại khu đất. Xung đột kết thúc khi một số người bị nhân viên Công ty Bảo vệ Đức Tuấn rút hung khí đuổi đánh, gây thương tích phải nhập viện.

Đây không phải là lần đầu giữa hai bên xảy ra xô xát, bởi từ khi UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định số 1998 ngày 8/8/2006 giao đất cho Công ty Bạch Hồ thuê để đầu tư dự án trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, thì giữa người dân và doanh nghiệp thường xuyên xảy ra va chạm.

Đã có va chạm dẫn gây thương tích trong ngày đầu tháng 6 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Bảy 69 tuổi, ở khu phố Phú An, thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc, một trong những hộ dân liên quan đến tranh chấp đất cho biết: “Bắt đầu từ năm 2016, Công ty Bạch Hồ lại đưa người ra nhổ cây trồng của người dân. Người dân chặn, đuổi người của Công ty Bạch Hồ ra. Cứ tranh chấp miết như vậy. Không biết tỉnh Bình Thuận vì sao mà không can thiệp được đây”.

Nguyên nhân sâu xa là do liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất thực hiện dự án. Bởi, chính quyền địa phương xác định rằng, đất giao cho doanh nghiệp thuộc rừng phòng hộ và người dân lấn chiếm để trồng hoa màu. Còn về phía người dân thì cho rằng, diện tích đất bị thu hồi là đất khai hoang từ những năm 1978 -1985, quá trình sử dụng ổn định không có tranh chấp, cho đến khi xuất hiện Công ty TNHH Bạch Hồ.

Điều này cũng được ông Hồ Văn Êm – nguyên Chủ tịch UBND xã Phú Hải (nay là phường Phú Hài) xác nhận. Ông Êm cho rằng thời điểm đó, vì nhiều lý do nên chưa có điều kiện để chứng thực nguồn gốc đất.

“Sau giải phóng thì có chính sách đi xây dựng vùng kinh tế mới. Kể cả bà con ở Phú Long, Phú Hài đổ xô đi phát làm rẫy. Nguồn gốc rẫy đó là do các cô chú khai hoang. Đất khai hoang nên họ không có giấy chứng thực. Họ làm từ năm này qua tháng nọ và thời điểm đó không hề có tranh chấp” - ông Êm nói.

Người dân nhiều lần khiếu nại, chính quyền phường Phú Hài, chính quyền thành phố Phan Thiết cũng nhiều lần làm việc, nhưng không hiểu vì sao đến nay sự việc vẫn chưa dứt điểm.

Người dân và doanh nghiệp mâu thuẫn vì liên quan đến đất đai nhiều năm nay.

Theo một số người dân, trong việc cấp đất cho doanh nghiệp làm dự án, chính quyền tỉnh Bình Thuận đã không có bất kỳ thông báo nào cho họ biết; chính quyền xác định nguồn gốc đất chưa đúng. Việc cấp số đỏ cho Công ty Bạch Hồ là chưa chính xác. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án thì vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân.

Mâu thuẫn này đang ngày càng được đẩy lên cao, ban đầu chỉ vài người, sau đó là vài chục người, nhất là khi có sự tham gia của một số đối tượng tiền án, tiền sự trong những vụ xô xát gần đây.

Chính quyền vào cuộc chậm chạp?

Làm việc với phóng viên VOV, ông Phan Đức Tuyên – Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết cho biết, vụ việc này hết sức phức tạp. Dù biết tính chất sự việc như trên, nhưng khi thực hiện phương án xây dựng hàng rào bảo vệ dự án, Công ty Bạch Hồ không có kế hoạch, không thông báo cho chính quyền gây nên tình trạng mất an ninh trật tự. Việc để xảy ra xô xát gây thương tích, ông Tuyên khẳng định rằng, đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Về quản lý sử dụng đất, ông Phan Đức Tuyên yêu cầu ngành chức năng của thành phố tiến hành rà soát, xác minh nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các hộ dân.

“Nếu xác định là đất lấn chiếm thì phường phải lập biên bản vi phạm và thực hiện cưỡng chế; nếu xác định là sử dụng đất của người dân có nguồn gốc; sử dụng trước thời điểm theo quy định của Luật đất đai trước năm 2013 thì tiến hành hoà giải, hướng dẫn họ khởi kiện ra toà vì công ty đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất” - ông Tuyên nói.

Như vậy, sau nhiều năm, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố Phan Thiết mới yêu cầu rà soát, kiểm tra lại nguồn gốc?

Nhiều người dân cho rằng, nếu ngay từ đầu, chính quyền ở Bình Thuận làm việc một cách công khai, minh bạch trong quá trình rà soát nguồn gốc đất trước khi cấp "sổ đỏ" cho doanh nghiệp thì đã không xảy ra khiếu kiện kéo dài, không xảy ra xô xát giữa người dân và doanh nghiệp. Và nếu tình trạng trên tiếp tục diễn ra thì tính chất vụ việc sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên