“Sập bẫy” dự án thật – đất ảo, người dân mất hàng tỷ đồng
VOV.VN - 18 hộ dân ở huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, TP Sơn La… “sập bẫy” dự án thật – đất ảo của doanh nghiệp Thanh Tâm, với số tiền gần 5 tỷ đồng.
Hơn 10 năm trước, Công ty cổ phần xây dựng Thanh Tâm (trụ sở tại số 369, đường Chu Văn Thịnh, TP Sơn La) được Chính quyền tỉnh Sơn La quyết định cho triển khai thực hiện dự án đổi đất lấy cơ sở hạ tầng tại khu vực Bắc bến xe của TP Sơn La.
Quá trình thực hiện dự án, Công ty này đã “vẽ” ra nhiều khoảnh đất không nằm trong dự án được chính quyền cấp phép để bán cho người dân. Có những lô đất còn được bán “chồng” cho 2 đến 3 người.
Giao tiền nhưng không được nhận đất, nhiều năm nay, hàng chục hộ dân ở Sơn La đã phải chạy đôn đáo cầu cứu chính quyền và ngành chức năng ở tỉnh giải quyết vụ việc, bởi hàng tháng họ đều phải lo trả lãi ngân hàng từ khoản tiền vay mua đất, khiến cuộc sống điêu đứng. Dù vậy, đến nay, vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ”, khiến họ vô cùng bức xúc.
Ông Nguyễn Phương An trao đổi vụ việc với phóng viên VOV. |
Gia đình ông Nguyễn Phương An, sinh năm 1957 sinh sống tại bản Nà Cạn, phường Chiềng Sinh, Tp.Sơn La, tỉnh Sơn La có 5 nhân khẩu. Năm 2011, khi doanh nghiệp san ủi mặt bằng tạo quỹ đất gần nơi gia đình sinh sống; từ thực tế nhu cầu đất ở để làm nhà ở, ông và gia đình đã cố vay mượn tiền của người thân trong gia đình để mua lô đất tại dự án này.
Sau khi thỏa thuận, hợp đồng chuyển nhượng được ký kết giữa Công ty cổ phần Thanh Tâm Sơn La – chủ dự án và gia đình, có điều khoản ghi rõ: Đất được chuyển nhượng có trong dự án, sau ít nhất 1 năm ký hợp đồng, gia đình sẽ được nhận đất và sau 1 năm kể từ khi nhận đất, gia đình ông phải xây dựng trên phần đất đã nhận.
Khấp khởi chờ đợi, 1 năm, 2 năm rồi 5 năm, 7 năm và cho đến nay đã suýt soát 10 năm, gia đình ông vẫn chưa thể nhận đất! Rất nhiều lần ông tìm gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty là ông Ngô Phúc Thái (hộ khẩu thường trú tại Tây Hồ, Hà Nội) và em trai ông Thái là Ngô Hồng Dương là Giám đốc, cùng những người trong Ban lãnh đạo Công ty, song ông Thái, ông Dương chỉ quanh co, không đưa ra được lý do chính đáng, sau đó thì nhiều lần thay đổi địa điểm văn phòng Công ty và lẩn trốn, không chịu gặp mặt để giải quyết vụ việc, khiến ông và gia đình rất bức xúc.
“Tôi thấy bên cơ quan điều tra nói hiện anh Thái vẫn đang lẩn trốn. Tôi nghĩ anh Thái có trốn thì cũng không thể nằm ngoài pháp luật được. Nếu cần thiết, cơ quan điều tra có thể phát lệnh, chứ không thể nói anh Thái đang lẩn trốn chỗ nọ chỗ kia được. Đã là công dân thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ không thể nói là không thể bắt anh Thái được. Chúng tôi mong muốn tự tôn pháp luật, làm sao để mọi người dân sống được bình đẳng”, ông An bộc bạch.
Với mong muốn “An cư, lạc nghiệp”, năm 2009, vợ chồng anh Đỗ Cảnh Thạc, trú tại tổ 8, phường Tô Hiệu, TP Sơn La cũng quyết tâm gom góp và vay mượn thêm để có số tiền 200 triệu đồng mua 1 mảnh đất trong lô số 4 của dự án Thanh Tâm ở khu vực Bắc bến xe TP Sơn La.
Nhiều hạng mục “hấp dẫn” được thông tin, như: Khu dân cư gắn với trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí chất lượng cao, khi đầu tư mua đất trong dự án của công ty chỉ sau một năm sẽ có đất làm nhà... Cùng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng chặt chẽ với nhiều điều khoản được soạn thảo, khiến vợ chồng anh không thôi mơ về hạnh phúc trong căn nhà mới.
Thế nhưng, hơn 10 năm đằng đẵng trôi qua, tiền đã trao mà “cháo” không được “húp”. Thậm chí, chính lô đất vợ chồng anh đã làm hợp đồng mua, sau này lại được công ty bán cho 1 hộ khác, khiến anh không khỏi bất bình.
“Chúng tôi cũng biết bị lừa là lỗi do chúng tôi không tìm hiểu từ trước. Tuy nhiên, qua đến gặp lãnh đạo UBND tỉnh thì chúng tôi biết được rằng khu vực chúng tôi mua nằm ngoài dự án quy hoạch được UBND tỉnh cho phép. Chúng tôi thắc mắc, khu vực đấy công ty đã xây dựng và bán cho rất nhiều khách hàng rồi, tại sao UBND không thông báo cho người dân, hoặc đình chỉ thi công. Bởi vì mỗi lần chúng tôi quay xuống thăm hiện trường, thì đều thấy doanh nghiệp vẫn đang có hoạt động khai thác đá để xây lô chia thửa”, anh Thạc bức xúc nói.
“Vậy cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm như thế nào về việc để một doanh nghiệp xây dựng khu dân cư ngoài quy hoạch mà lại không chịu sự quản lý gì từ cơ quan quản lý Nhà nước?”, anh Thạc nêu ý kiến.
Các hộ dân giao tiền từ 10 năm trước, đến nay chưa được nhận đất, mong muốn vụ việc sớm được làm sáng tỏ, để bà con lấy lại số tiền doanh nghiệp đã chiếm đoạt. |
Cũng do phía tỉnh Sơn La không có “động tĩnh” gì như anh Thạc chia sẻ, nên tháng 5/2018, tiếp tục có 4 hộ dân ở huyện Mai Sơn và TP Sơn La tin vào những lời lẽ “mị dân” của công ty như: khu đất phân lô thuộc đất dự án đã được nhà nước cấp phép; nếu mua sớm sẽ được giảm giá hấp dẫn tới tới 28% và đến ngày 15/01/2019 sẽ được bàn giao mặt bằng cùng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Sau khi làm hợp đồng mua – bán đất và giao tổng số tiền trên 2 tỷ đồng, cho đến nay các hộ vẫn chưa được nhận đất. Chị Nguyễn Thị Vân, thường trú tại Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La – 1 trong 4 “nạn nhân” bức xúc: “Chúng tôi đã gặp ông Thái năm lần bảy lượt, thậm chí gặp cả bên công an thế nhưng ông Thái chỉ hứa vu vơ vài câu thôi, song không giải quyết cho chúng tôi. Nhiều gia đình anh chị em chúng tôi đang phải đi ở thuê ở mướn. Vay được tiền mua đất để làm nhà, thế mà công ty Thanh Tâm, cụ thể là ông Ngô Phúc Thái, ông Trần Đức Ánh và Ban quản trị của công ty này đã lừa đảo dân để lấy được rất nhiều tiền”.
“Vậy từ năm 2010 đến năm 2020 rồi, công ty Thanh Tâm nhởn nhơ trước vòng pháp luật, cơ quan chức năng cũng không vào cuộc dẫn đến lần lượt cứ hết người nọ người kia bị lừa. Chúng tôi rất bức xúc. Đây rõ ràng là dấu hiệu lừa đảo. Nếu không lừa đảo thì vài chục hộ dân làm sao mất tiền mà không có đất được”, chị Vân cho biết thêm.
Thống kê đến nay, tổng cộng có tới 18 hộ dân ở các huyện Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, TP Sơn La… “sập bẫy” dự án thật – đất ảo của doanh nghiệp Thanh Tâm, với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Nhiều người dân, cũng như dư luận thắc mắc là vì sao doanh nghiệp làm ăn có dấu liệu lừa dối khách hàng như thế, tự tung tự tác, coi thường pháp luật trong nhiều năm như thế mà "nhởn nhơ” như không có chuyện gì xảy ra?! Đặc biệt, vì sao nhiều năm các hộ này “kêu cứu” mà tỉnh Sơn La và các ngành chức năng ở tỉnh không giải quyết triệt để, để số nạn nhân bị lừa tiếp tục gia tăng và cuộc sống của họ bị đảo lộn, điêu đứng đến như vậy?.../.
Nhà chung cư không được nhỏ hơn 25m2