Sống trong căn hộ tái định cư hơn 10 năm vẫn chưa được nhận sổ hồng
VOV.VN - Cư dân tại chung cư Tín Phong, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM đã về sống hơn 10 năm mà vẫn chưa được chủ đầu tư làm sổ hồng.
Chung cư Tín Phong do Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Xây dựng Tín Phong làm chủ đầu tư. Quận 12 mua toàn bộ 60 căn hộ (thông qua Công ty Dịch vụ công ích Quận 12 và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 12) để phục vụ tái định cư.
Sau khi về đây ở vào năm 2007, các hộ dân đã nhiều lần đề nghị được làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng) nhưng đều chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Mãi đến năm 2016, người dân mới liên hệ với phường, sau đó lên quận nhưng cũng không được hồi âm.
Cư dân chung cư Tín Phong căng băng rôn yêu cầu Quận 12 xử lý rốt ráo. |
Sau đó, họ kiến nghị lên tới cấp thành phố thì lại được trả lời là quay về quận giải quyết. Ba lần bảy lượt, cứ lòng vòng như thế và cho tới nay, hàng chục hộ dân ở chung cư Tín Phong vẫn đợi sổ mỏi mòn. Quá bức xúc, bà con buộc phải treo băng rôn quanh tòa nhà để mong chính quyền vào cuộc giải quyết.
“Quận 12 cứ đổ cho chủ đầu tư, còn chủ đầu tư lại đổ cho quận. Hai bên không biết bên nào thiếu sót. Dân không mua từ chủ đầu tư nên người dân không có quyền qua để gây áp lực, còn dân mua của Quận 12 nhưng lại đổ cho chủ đầu tư. Không lẽ Quận 12 muốn dân phải gây áp lực với chủ đầu tư hay sao?” - ông Nguyễn Ngọc Tùng, cư dân chung cư Tín Phong chia sẻ.
Bà Phan Thị Kim Loan, ở tuyến đường Lê Thị Riêng, phường Thới An, Quận 12, khi bị giải tỏa nhà đã được đền bù một căn hộ tại đây. Năm 2009 bà Loan nhận nhà, đến năm 2013 khi đóng đủ tiền nhà thì Công ty Dịch vụ công ích Quận 12 bảo chưa ra được sổ. Bà Loan cho rằng, vướng mắc ở khâu nào thì cơ quan chức năng phải giải quyết, còn người dân mua nhà thì Nhà nước phải có trách nhiệm cấp sổ cho dân.
Người dân chung cư đã mòn mỏi hơn chục năm để chờ sổ hồng. |
Ông Hoàng Ngọc Kiên, một cư dân Chung cư Tín Phong cho biết chung cư hiện xuống cấp thấy rõ nhưng vẫn chưa thấy chủ đầu tư hay Quận 12 đến sửa chữa cho dân. Riêng căn hộ của ông, nước từ nhà tắm ở tầng trên chảy xuống nhà ở tầng dưới, gây ẩm mốc. Ở tầng trệt, hệ thống thoát nước bị tắc liên tục, cống thoát nước thải chảy xuống tầng hầm để xe. Để đảm bảo cuộc sống, người dân đành phải tự bỏ tiền ra khắc phục, sửa chữa; nhưng cũng không triệt để.
“Người dân lo lắng khi không có sổ có thể dẫn tới nhiều vấn đề như tranh chấp chủ quyền. Hiện tại thì rất hoang mang, lo lắng, chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi mà tải sản mình bỏ ra mua mà không nắm được gì trong tay” - ông Kiên nói.
Cùng chung nỗi lo lắng, ông Nguyễn Văn Dũng, một cư dân khác ở đây cho biết, không có sổ nên ở đây gần như mất hết quyền công dân. Sinh sống hàng chục năm, muốn chuyển hộ khẩu về mà không được, mua chiếc xe cũng không đăng ký được, con cái muốn đi học một là phải xin vào trường tư thục, hai là phải “chạy” KT3 ở một nơi khác.
“Khi có chủ quyền thì người dân mới muốn về ở, chứ bây giờ giống như là những phòng trọ thôi chẳng có gì cả, nên vấn đề an ninh không được đảm bảo an toàn” - ông Dũng cho hay./.
Vụ thu hồi sổ hồng ở dự án Mường Thanh: Bộ Tư pháp nói gì?
Thu hồi sổ hồng - “khủng hoảng” của hệ thống sai phạm