Thay đánh thuế căn nhà thứ hai bằng đánh thuế giá trị đất?
VOV.VN - Việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ nảy sinh tiêu cực và khó khăn nên thay vì đánh thuế vào giá trị căn nhà thì nên đánh thuế giá trị đất.
Đề xuất của Bộ Tài chính đánh thuế khi mua căn nhà thứ hai tại Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cơ quan này cho rằng, chính sách nhằm bảo đảm tăng thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, hạn chế tình trạng đầu cơ lãng phí nhà ở.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
PV: Một số ý kiến lo ngại, cái khó là làm sao để xác định được căn nhà thứ hai để đánh thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Ở các nước tiên tiến, với căn nhà thứ nhất là căn nhà để ở thì chính phủ hỗ trợ, còn căn nhà thứ hai thường là để kinh doanh hoặc đầu tư thì sẽ bị đánh thuế.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu. (Ảnh: Dân trí) |
Tại Việt Nam đang có đề xuất đánh thuế theo giá trị căn nhà thứ hai. Điều này trên nguyên tắc không phải không hợp lý. Bởi lẽ, căn nhà thứ hai là của người kinh doanh, nhà đầu tư và thường là những người có thu nhập cao.
Tuy nhiên, nó có một số vấn đề như sau: Thứ nhất, nên đánh thuế đất và không đánh thuế trên giá trị căn nhà. Nếu đánh thuế giá trị căn nhà thì cơ sở nào để có thể đánh thuế? Ai là người thẩm định, hay dựa trên căn cứ thẩm định nào?
Thứ hai, có ngăn chặn, phòng ngừa được người dân sử dụng tên người khác để đứng tên căn nhà thứ hai, với mục đích trốn thuế? Hiện, chúng ta chưa có hệ thống thông tin tập trung tại trung ương nên để xác định căn nhà thứ hai sau căn nhà thứ nhất sẽ là việc khó khăn. Khó khăn trong việc xác định sở hữu sẽ dẫn tới có một số người thì bị đánh thuế, số khác không bị phát hiện nên tránh được thuế và gây ra sự bất công.
Thứ ba là giá trị của căn nhà. Nếu giá trị cả đất và công trình xây dựng trên đất là cơ sở để đánh thuế mà mỗi năm giá trị thay đổi thì phải dựa vào đâu để có thể đánh thuế. Thành ra, việc đánh thuế căn nhà thứ hai sẽ không phải là điều dễ dàng.
PV: Trong khi thu nhập, nguồn tiền của người dân đã bị đánh thuế, nay họ lại sử dụng nguồn tiền này để sở hữu căn nhà thứ hai và lại tiếp tục bị đánh thuế. Có ý kiến cho rằng như vậy là thuế chồng thuế, không công bằng?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Điều đó cũng không hoàn toàn chính xác. Như ở các nước khác, người dân dùng tiền của mình để mua bất động sản thì tiền đó đã bị đóng thuế một lần. Và khi họ dùng tiền đó để mua bất động sản thì họ phải trả tiền thuế đất, đó là đóng thuế lần thứ hai.
Việc sở hữu miếng đất và họ phải chịu thuế thì nó cũng đánh thuế trùng lặp trên một thu nhập. Tuy nhiên, việc đánh thuế này là công bằng vì sử dụng đất của xã hội thì họ phải trả tiền thuế đất.
Ở Việt Nam, tôi nghĩ người dân bức xúc trong chuyện này vì họ cho rằng thu nhập của mình vốn dĩ đã bị đánh thuế, sau đó dùng thu nhập này để mua nhà thì lại bị đánh thuế tiếp. Vì thế, để giảm khó khăn đó, chỉ nên đánh thuế đất mà thôi. Theo đó, người dân chỉ phải đóng thuế trên thu nhập của mình và tiền thuế đất mà có bất động sản họ mua.
Đánh thuế nhà ở thứ 2 trở lên có minh bạch được tài sản cá nhân?
PV: Như vậy, việc áp dụng luật này tại Việt Nam sẽ khá phức tạp và cần nghiên cứu, xem xét lại nhiều khía cạnh, bảo đảm sự khả thi khi đi vào cuộc sống?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, cần phải xem xét lại nhiều khía cạnh. Vì xuất phát điểm việc sở hữu đất đai tại Việt Nam rất phức tạp, trải qua rất nhiều thời kỳ. Đến giờ, thị trường bất động sản cũng chưa vận hành theo đúng quy luật thị trường nên nó cần có sự cải tổ để tiến tới việc đánh thuế sao cho công bằng.
Đề xuất đánh thuế là hợp lý để chúng ta có sự đóng góp, nhưng tôi nghĩ việc thực hiện sẽ khó khăn. Chúng ta cần 1 - 3 năm để hoàn thiện tất cả các vấn đề quy định về quản lý đất đai, nhà cửa, trước khi tính tới vấn đề đánh thuế sở hữu căn nhà thứ hai trở đi.
PV: Xin cảm ơn ông./.