Thị trường bất động sản có những dấu hiệu bất ổn
VOV.VN - Thị trường bất động sản TPHCM thì khan hiếm nguồn hàng, còn tại Hà Nội lượng giao dịch thấp kỷ lục, đây là những dấu hiệu bất ổn của thị trường.
TPHCM khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao
Trong quý 3 năm 2019 lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại TPHCM tăng mạnh, gấp 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2018. Lượng căn hộ đủ điều kiện bán hơn 11.000 căn. Tỉ lệ hấp thụ hơn 95% là con số kỷ lục của thị trường ở các thị trường.
TPHCM có 8 dự án được bán hàng, dự án Vinhomes Grand Park ở quận 9 đã chiếm hơn 10.000 còn lại 7 dự án chỉ chiếm 1.000 sản phẩm. Lượng cung và giao dịch chủ yếu nằm ở đại dự án quận 9, chiếm hơn 85% toàn bộ thị trường. Nhìn chung, TPHCM nguồn cung rất khan hiếm, việc phê duyệt dự án đưa vào thị trường của TPHCM đang có vấn đề.
Dưới 25 triệu đồng/m2 là phân khúc giá bình dân thì thị trường bất động sản TPHCM không có một dự án nào trong quý 3 năm 2019. Nguyên nhân do căn hộ giá thấp đã bị đẩy giá vượt mức 25tr/m2 và trở thành phân khúc Trung cấp.
Thị trường bất động sản có những dấu hiệu bất ổn. |
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường TPHCM khan hiếm hàng, môi giới không có sản phẩm để bán phải đi “đánh bắt xa bờ” - nghĩa là ra các tỉnh lân cận để hoạt động tìm kiếm nguồn hàng, thậm chí lên cả Lâm Đồng. Đây là vấn đề về sự mất cân đối giữa cung và cầu, khan hiếm nguồn hàng.
“Giá của thị trường bất động sản TPHCM tăng cao, các căn hộ giá thấp đẩy vượt 25 triệu đồng/m2, bất động sản trung cấp cũng tăng khoảng 3-5%, có dự án tăng đến 15%. Đây là điều bình thường khi nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ bị đẩy lên” - ông Đính nói.
Ở phân khúc cao cấp ở thị trường TPHCM có sự chênh lệch lớn về giá bán: Các dự án tại khu trung tâm: Giá từ 100tr/m2, có những Dự án lên tới 200-300tr/m2; các dự án tại quận 7, Quận 2: dao động ở mức 60-75tr/m2.
Với tình hình không có nhiều thay đổi từ cơ chế, chính sách, nguồn hàng mới từ các dự án sẽ tiếp tục khan hiếm và có chiều hướng sụt giảm so với Quý III/2019. Đặc biệt là thiếu hẳn phân khúc nhà ở giá thấp.
Hà Nội giao dịch thấp kỷ lục
Thị trường bất động sản Hà Nội quý 3, nguồn cung căn hộ là 5.130 sản phẩm, tiêu thụ được 3,105 căn hộ. 50 dự án được sở xây dựng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để mở bán, đưa sản phẩm vào thị trường. Đây là tỷ lệ hấp thụ thấp nhất của thị trường Hà Nội trong 3 năm trở lại đây. Nhà thấp tầng 582 sản phẩm mở bán trong quý 3, hấp thụ đạt 52,6%.
“Giá bán căn hộ ở thị trường bất động sản Hà Nội trong 3 năm nay vẫn đi ngang, giá có chiều hướng xuống, đầu tư lướt sóng không có khi giá đi ngang, giao dịch hầu hết nhu cầu thực” - ông Đính nhận xét.
Đầu tư lướt sóng lãi nhanh từ bất động sản ở Hà Nội giảm mạnh. Giá nhà ở thấp tầng tiếp tục ổn định.
Những biến động ở 2 thị trường bất động sản lớn nhất là Hà Nội và TPHCM cho thấy, thị trường căn hộ chung cư tiếp tục cho thấy sự phát triển mất cân đối giữa các phân khúc, thiếu nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong một vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Nam và một số tỉnh thành khác trên cả nước tiếp tục có dấu hiệu suy giảm bởi các vấn đề về chính sách và vốn tín dụng, lãi suất ngân hàng. Nguồn cung hạn chế, giao dịch chủ yếu đến từ các dự án đã chào bán trước đó. Xảy ra tình trạng một số dự án đóng bảng hàng, ngừng giao dịch do điều kiện pháp lý chưa đảm bảo hoặc không bán được hàng.
Nhìn chung thị trường Bất động sản nhà ở cả nước quý 3 năm 2019 tiếp tục cho thấy sự sụt giảm so với cùng kỳ năm 2018, có dấu hiệu phát triển không ổn định, mất cân đối cung cầu./.
Thị trường bất động sản 2019 sẽ không có “bong bóng“?
Thị trường bất động sản đang ẩn chứa nhiều rủi ro