Thưởng Tết của giới bất động sản: “Kẻ cười, người khóc”
Không phải công ty BĐS nào cũng bạo chi thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp dù bán được nhà nhưng tỷ lệ tồn kho cao nên họ không có rủng rỉnh tiền để thưởng Tết.
Thời điểm cuối năm, bên cạnh những thông tin thưởng Tết khủng của các ngành ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất thì giới bất động sản (BĐS) cũng kỳ vọng được thưởng Tết đậm bởi năm nay thị trường tăng trưởng nhiều khả quan hơn. Tuy nhiên, câu chuyện thưởng tết của ngành này không như nhiều người nghĩ.
Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc lớn tại TPHCM chuyên phân phối cho các dự án bất động sản vừa bật bí cho báo chí biết số tiền thưởng tết của công ty năm nay thấp nhất cũng là 3 tháng lương và người nhiều nhất là 6 tháng lương cộng với thưởng doanh số cả năm có thể lên đến 300 đến 400 triệu đồng.
Đặc biệt, do đặc thù của công việc có liên quan đến doanh thu, doanh số, do đó dân sale (kinh doanh) có mức thưởng cao hơn so với nhân viên bình thường khác. Nếu doanh số vượt 100% chỉ tiêu được giao, trích % mỗi chỉ tiêu là 5 - 10%, như vậy thưởng tết vào khoảng 150 triệu đồng. Nếu vượt chỉ tiêu từ 150% đến 200% hoặc 300% được giao, con số thưởng thấp nhất cũng là 250 đến 400 triệu đồng.
Không phải công ty BĐS nào cũng bạo chi thưởng Tết. (Ảnh minh họa: Internet) |
Theo đại diện doanh nghiệp này, để đạt mức chỉ tiêu vượt 100% hoặc 200% chỉ rất ít người có được thậm chí, trong cả năm, qua bao dự án được bán ra, cả công ty chỉ thưởng được 1 đến 2 người là cùng.
Còn tại khu vực Hà Nội, theo một số thông tin từ các doanh nghiệp BĐS và các sàn BĐS trên địa bàn, mức thưởng tết năm nay dao động từ 1 - 3 tháng lương và có sự phân cấp rõ rệt trong doanh nghiệp. Bộ phận khai kinh doanh là đối tượng được thưởng nhiều nhất, các bộ phận hành chính, truyền thông không có doanh số nên khiêm tốn hơn.
Đáng chú ý, không phải công ty BĐS nào cũng bạo chi thưởng tết, nhiều DN dù bán được nhà nhưng tỷ lệ tồn kho vẫn lớn, ăn vào vốn của công ty nên họ không có rủng rỉnh tiền để thưởng tết. Bên cạnh đó, có một số dự án, dù chủ đầu tư mở bán đến 4 lần nhưng vẫn khá đìu hiu.
Theo Lan Hương, môi giới cho một sàn BĐS tại Hà Nội bộc bạch: Không phải dự án nào cũng bán được dễ dàng. Có dự án đến mở bán đợt cuối (đợt thứ 4) tức là dự án đã hoàn thiện thô, dần lắp đặt nội thất nhưng cũng chỉ bán được 1/3 số căn. Lúc này để đảm bảo uy tín, chủ đầu tư sẽ không tổ chức mở bán, họ dùng chính sách đẩy nhà cho các sàn phân phối hoặc cho nhân viên sử dụng các chiêu tiếp thị bán lẻ hòng cứu vớt, bước đường cùng là kêu giới đầu tư lướt sóng để cắt lỗ.
"Tôi đang cầm 6 căn, mỗi căn đóng ít nhất cũng 20% tiền, vốn bị chôn từ đầu năm đến nay chưa bán được. Mà công ty giao phải bán bằng được trong năm nay để hoàn thành chỉ tiêu nếu không năm sau sẽ cắt chỉ tiêu kinh doanh, đồng nghĩa với việc bị hạ mức lương, phụ cấp và thưởng tết", chị Hương nói.
Có cùng cảnh ngộ như chị Hương, anh Hoàng Ngọc Minh, nhân viên môi giới một sàn bất động sản ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Tôi không biết các công ty báo thưởng tết trăm triệu có đúng không hoặc đó chỉ là chiêu PR, đánh bóng tên tuổi để che đậy tồn kho căn hộ. Nhưng rất nhiều anh em chơi với tôi vẫn chưa biết mức thưởng tết ra sao. Ngay công ty tôi, mở bán đến 4 lần, nhưng vẫn không thể bán hết. Chính vì vậy, đến sát Tết rồi mà chúng tôi vẫn phải dùng mọi chiêu để bán được nhà".
Thưởng Tết năm 2016 cao hơn gần 16% so với năm 2015
Theo Anh Minh, các dự án BĐS thường có tỷ lệ chia doanh số cho mỗi nhân viên, người được đăng ký theo từng sàn, block để bán. Tuy nhiên, các nhân viên có thâm niên, có doanh số tốt hoặc thân cận với sếp thường được đặt căn đẹp, vị trí ngon nên dễ bán. Còn những người mới vào nghề hoặc nhân viên bình thường sẽ bị giao những căn kẹp, diện tích nhỏ, thế xấu, dẫn đến khó bán.
“Đời nghề của dân môi giới rất ngắn, chỉ khoảng 2 năm là cùng và không phải ai vào nghề môi giới cũng làm cũng bán được nhà, cũng làm ưng ý khách. Dân môi giới chuyên nghiệp, bên cạnh các kỹ năng về kinh doanh, thị trường, tâm lý khách hàng, kiến trúc, phong thủy… yếu tố quyết định vẫn là “cái duyên” và may mắn. Dù cùng trong lớp đào tạo về kinh doanh, có anh được cất nhắc bán được nhiều nhà, chọn được nhiều căn đắc địa. Nhưng có anh mời khách “bã bọt mép”, tư vấn đủ kiểu nhưng cuối cùng khách vẫn ra đi. Vì vậy, địa ốc có thể kiếm tiền trăm triệu, tiền tỷ nhưng không phải ai cũng có và ai cũng làm được”, anh Minh trải lòng./.