Xét xử vụ chủ Gia Trang quán kiện Chủ tịch huyện Bình Chánh

VOV.VN - Chủ Gia Trang quán - Tràm Chim resort khởi kiện Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh vì cho rằng quyết định hành chính trái luật.

Ngày 2/7 diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Khiếu kiện quyết định hành chính” giữa chủ Gia Trang quán - Tràm Chim resort và người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TP HCM.

Nhiều yêu cầu của nguyên đơn không được tòa chấp thuận

Trong vụ án này, bà Trần Thị Minh Trang (chủ Gia Trang quán - Tràm Chim resort) khởi kiện chủ tịch UBND huyện Bình Chánh vì cho rằng vị này ký ban hành quyết định hành chính số 798 ngày 12/11/2019, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Gia Trang quán - Tràm Chim Resort không đúng sự thật, trái luật định. 

Một phần Gia Trang Quán bị cưỡng chế trong ngày 23/6/2020.

Sáng 2/7, Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) - người đại diện cho bà Trang yêu cầu triệu tập ông Nguyễn Văn Tài để xác định hành vi phạm tội và đề nghị làm rõ tư cách đại diện tố tụng của ông Nguyễn Thành Tuyên, vì ngày 9/1/2020 ông Tuyên dẫn một nhóm người bịt mặt tự ý vào Gia Trang Quán đập phá tài sản, đồ đạc, lấy cắp camera... 

Trong khi UBND huyện Bình Chánh khẳng định ngày 9/1/2020 không tổ chức cưỡng chế, thì Công an huyện Bình Chánh đã ra Quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại Gia Trang Quán vào ngày 9/1/2020. Về vấn đề này, Chủ tọa phiên tòa cho biết: "Nếu thấy có dấu hiệu hình sự, HĐXX vụ án hành chính sẽ kiến nghị khởi tố vụ án trong quá trình xét xử".

Theo HĐXX, tài liệu phía nguyên đơn cung cấp liên quan đến vấn đề trên chưa phải là căn cứ kết luận một số cá nhân có hành vi trộm cắp tài sản của bà Trang tại Gia Trang quán - Tràm Chim resort.

Nguyên đơn - bà Trần Thị Minh Trang trình bày những chứng cứ tại buổi xét xử chiều 2/7.

Ngoài ra, bà Trang trình bày yêu cầu bổ sung nội dung khởi kiện. Cụ thể, chủ Gia Trang quán - Tràm Chim resort muốn phía bị kiện bồi thường 37 tỉ đồng. Người khởi kiện cho rằng đó là số tiền thiệt hại khi chính quyền thi hành quyết định hành chính trái pháp luật. Đối với yêu cầu này, HĐXX cho rằng bà Trang có thể khởi kiện đòi bồi thường trong một vụ kiện khác.

Bên cạnh đó, phía nguyên đơn cũng yêu cầu HĐXX triệu tập các Chủ tịch UBND xã các thời kỳ, Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh tham gia vụ án để làm rõ những chứng cứ liên quan. Tuy nhiên, HĐXX bác bỏ những yêu cầu trên vì cho rằng không cần thiết, bởi tòa án đã triệu tập đại diện UBND xã Tân Quý Tây tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.

Ông Ngô Thành Nhân (1 trong 3 người làm chứng) xác nhận quá trình biến động quyền sử dụng đất của Gia Trang Quán tại tòa.

Tại phiên tòa, đại diện UBND huyện Bình Chánh đề nghị làm rõ 2 Công văn 362 và 363 vì cho rằng đó là 2 công văn nội bộ và báo cáo định kỳ của huyện, tại sao phía nguyên đơn lại có được? Về nội dung này, Luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng cho biết: “Luật sư có quyền thu thập tài liệu, chứng cứ, hơn nữa đó không phải là văn bản mật, nên không cần giải thích tại sao phía nguyên đơn lại có những văn bản trên”.

Đại diện VKSND TP.HCM đánh giá những giải thích của chủ tọa phiên tòa nêu ra, hoàn toàn phù hợp với quy trình tố tụng, điều kiện pháp luật về giải quyết, xét xử vụ án hành chính.

Gia Trang quán - Tràm Chim resort hình thành trên những công trình có sẵn

Tại phần xét hỏi diễn ra chiều 2/7, bà Trần Thị Minh Trang cho biết nguồn gốc đất Gia Trang quán - Tràm Chim Resort được vợ chồng bà nhận chuyển nhượng từ nhiều hộ dân khác từ năm 1999. Lúc đó, trên đất có 2 căn nhà đã xây, 7 căn nhà lá và một số công trình trên đất. Năm 2003, vợ chồng bà Trang xây dựng, lập trang trại chăn nuôi theo mô hình trang trại sạch.

Năm 2005, do dịch cúm H5N1 nên UBND huyện Bình Chánh khuyến khích các chủ trang trại chăn nuôi thay đổi ngành nghề. Từ đó, bà Trang sửa chữa các chuồng trại và chuyển thành nhà trọ. Sau đó, năm 2006, công trình được sửa thành Gia Trang quán –Tràm Chim resort.

Một trong những chứng cứ mà bị đơn đưa ra tại tòa là những hình ảnh chụp vệ tinh của Google Map.

Năm 2011, chủ công trình này xây dựng nhà ở không phép diện tích 98m2 và nhà rường gỗ có diện tích vi phạm 147,7m2, bị UBND huyện Bình Chánh xử phạt 2,5 triệu đồng. Sau đó, theo hướng dẫn, bà làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin giấy phép xây dựng cho 2 công trình trên nên chúng được phép tồn tại (Giấy phép số 107 GPXD-QLĐT, do Phòng Quản lý đô thị huyện Bình Chánh cấp).

“Tôi cải tạo trang trại thành Gia Trang quán và được chính quyền địa phương ủng hộ. Sau đó chính quyền hướng dẫn tôi đi xin giấy phép kinh doanh. Từ một quán ăn, tôi chuyển sang Công ty TNHH MTV Khách sạn Gia Trang. Tôi thành lập công ty cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận, đưa về huyện Bình Chánh và tổ liên ngành xác nhận rằng hiện trạng hạ tầng cơ sở của tôi có đủ điều kiện để cấp giấy phép mở khách sạn.

Sau đó, chính quyền các cấp và những sở ngành cấp các giấy phép liên quan công nhận Gia Trang quán là điểm đến du lịch đạt chuẩn 2 sao (theo quy định của ngành Du lịch). Quá trình tôi sử dụng và hình thành Gia Trang quán - Tràm Chim resort đều có đầy đủ tính pháp lý cùng sự quản lý của địa phương và sở ngành”- bà Trang cho biết.

“Tôi sẵn sàng tự tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng các cơ quan chuyên môn huyện Bình Chánh phải chỉ ra hạng mục nào vi phạm, diện tích vi phạm là bao nhiêu, hiện trạng vi phạm như thế nào? Nếu các công trình trên đất của tôi được chính quyền địa phương xác định sai phạm từ năm 2005 thì tại sao hơn 14 năm qua lại để cho tồn tại và công nhận đó là cơ sở hạ tầng đủ điều kiện để khách sạn đạt chuẩn 2 sao, rồi tới nay lại cưỡng chế. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào khi để xảy ra việc này?” - chủ Gia Trang quán - Tràm Chim resort nêu quan điểm.

Còn luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng), khẳng định: Trong vụ án này UBND xã Tân Quý Tây và UBND huyện Bình Chánh đã có nhiều sai phạm. Cụ thể, việc lập biên bản sai cả về hình thức và thủ tục; việc ban hành quyết định 798 căn cứ trên các biên bản là không đảm bảo tính pháp lý và việc xác định diện tích xây dựng vi phạm cũng hoàn toàn không đúng.

“Chưa kể từ 2016 chính quyền địa phương đã cho phép Gia Trang Quán tồn tại, và từng ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy việc 1 hành vi vi phạm bị xử lý 2 lần là hoàn toàn trái quy định pháp luật” - luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng nói.

Trong phiên xử chiều 2/7, HĐXX chấp nhận yêu cầu của phía nguyên đơn bổ sung 3 người làm chứng là ông Ngô Văn Mồng (người chuyển nhượng một phần đất của Gia Trang Quán cho bà Trang); ông Ngô Thành Nhân (người cho, tặng một phần đất của Gia Trang Quán cho bà Trang theo hình thức chồng tặng vợ) và Nguyễn Văn Bưa (người thuê lại Gia Trang Quán để kinh doanh  từ năm 2017 đến 2018).

Cả 3 người làm chứng trên đều xác nhận quá trình sử dụng Gia Trang Quán như nguyên đơn trình bày.

Do hết thời gian hành chính nên HĐXX quyết định tiếp tục xét xử phiên tòa vào 13h ngày 8/7.

Đại diện bị đơn (UBND huyện Bình Chánh) và người có nghĩa vụ liên quan (đại diện UBND xã Tân Quý Tây) đưa ra những luận điểm khẳng định tính pháp lý của những văn bản liên quan đến quyết định 798 của UBND huyện Bình Chánh như: So sánh sự khác nhau từ hình ảnh chụp vệ tinh của Google Map giữa năm 2010 và 2018 của Gia Trang Quán; các cơ sở pháp lý được luật pháp quy định để lập văn bản số 23 và biên bản xác minh số 01 – 03 (phát hiện thời gian nào thì lập biên bản thời gian đó, không phụ thuộc vào giờ hành chính, tuy quá trình lập có sai sót về việc ghi thời gian);….

Cũng trong chiền 2/7 đại diện VKSND TP HCM đã xác minh, đối chứng những nội dung trong hồ sơ vụ án từ 3 phía (nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng). Phiên tòa sẽ bắt đầu tranh luận vào 13h ngày 8/7 tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên