Dịch vụ homestay ở khu vực du lịch hang Sơn Đoòng "đói khách"
VOV.VN - Không ít gia đình tại Quảng Bình đang lâm vào cảnh nợ nần khi vay hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở lưu trú homestay nhưng không có khách.
Người dân xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình thường gọi ông Hồ Khanh là “ông vua hang động”. Bởi ông Khanh là người góp phần phát hiện ra hang Sơn Đoòng cách đây gần 30 năm trong chuyến đi tìm trầm. Ông cũng là một trong những người đi đầu xây dựng cơ sở lưu trú homestay.
Khách đến hang động Phong Nha ngày càng nhiều nhưng homestay vẫn ế ẩm. |
Cách đây hơn 8 năm, ông đã mạnh dạn vay mượn tiền đầu tư xây ngôi nhà gỗ ba gian cùng một số phòng nghỉ khá khang trang. Ngoài ra, ông còn mở 1 quán cà phê nhỏ phục vụ khách du lịch.
Ông Hồ Khanh cho biết, thời điểm từ năm 2012 đến năm 2015, cơ sở lưu trú của ông thường xuyên đón du khách. Đây cũng là nơi mà Hội hang động Hoàng gia Anh và đội porter hang Én và Sơn Đoòng thường lui tới.
3 năm trở lại đây, ở khu vực này, các cơ sở homestay mọc lên như nấm. Các chủ cơ sở thi nhau hạ giá. Từ đó, homestay “chết yểu”. Theo ông Hồ Khanh, không ít gia đình sử dụng phòng ở trong nhà làm phòng trọ, đón khách với giá chỉ 1 USD (hơn 20.000 đồng) mỗi đêm.
“Hồi xưa ở homestay của mình giá 1,1 triệu đồng, sau xuống 900.000 đồng. Hiện tại bây giờ, mấy hộ ở xung quanh homestay của mình có giá 650.000 đồng/ngày đêm, bao gồm ăn sáng. Các nhà kinh doanh ở trung tâm, họ đánh đổi kiểu gì mà từ đầu giá 100.000 đồng, sau hạ xuống 80.000 đồng, sau hạ xuống 50.000 đồng, rồi đến khi hạ xuống chỉ có 1 USD”, ông Khanh cho hay.
Tình trạng phát triển nóng về cơ sở lưu trú homestay ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng phục vụ kém.
Người dân địa phương chờ đón khách. |
Chính quyền tỉnh Quảng Bình yêu cầu các địa phương và ngành liên quan buộc các cơ sở lưu trú phải tuân thủ các quy định về giá trong kinh doanh dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo các điểm mua sắm và vui chơi, giải trí an toàn, thân thiện.
Ông Nguyễn Văn Hải, chủ cơ sở lưu trú ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch cho biết, gia đình ông cũng như các hộ dân ở đây xây dựng cơ sở lưu trú homestay từ đôi bàn tay trắng. Tiền đầu tư 1 cơ sở cả tỷ đồng, chủ yếu vay từ ngân hàng. Hiện, cơ sở của ông Hải mỗi tháng chỉ đón vài ba khách với giá rẻ như bèo, không đủ tiền trả nợ ngân hàng.
“Tôi làm homestay năm nay là năm thứ 3, nhưng giờ nổi lên nhiều nhà nghỉ, khách sạn quá nên bị phân tán ra nhiều. Tôi đang lo không biết trả nợ ngân hàng ra sao vì khách không đến ở, riêng trả lãi cũng đã mệt”, ông Hải than thở.
Dịch vụ lưu trú homestay ở Phong Nha - Kẻ Bàng, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình ngày càng ế ẩm, một phần do lượng khách lưu trú không tăng, phần khác vì không có các trải nghiệm về đêm.
Ông Trần Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 110 khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Thời gian qua, việc cấp phép cho hoạt động này khá dễ dãi nên một số homestay thực chất là nhà nghỉ, cạnh tranh bằng mọi giá để chèo kéo khách. Mặt khác, các chủ kinh doanh homestay không có kiến thức chuyên môn, xây dựng cơ sở một cách tự phát.
Ông Trần Văn Thông thừa nhận, chính quyền đang lúng túng trước tình trạng phát triển nóng của dịch vụ lưu trú homestay hiện nay.
“Bất cập của xã là không quản lý được cho nên dân tự phát, tự bắt khách và tự làm thôi. Giá cả cũng là họ tự định giá, chớ còn xã không can thiệp nổi. Mà cứ cạnh tranh như thế này thì giá càng xuống”, ông Thông nói.
Khu lưu trú của ông Hồ Khanh đầu tư khá khang trang nhưng vắng khách. |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật vừa chỉ đạo UBND xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch phối hợp với Công an tỉnh, Sở Du lịch, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng khẩn trương chấn chỉnh những yếu kém trong phát triển du lịch tại xã Sơn Trạch, nơi có đến 58 cơ sở kinh doanh homestay.
Thời gian qua, do cách làm du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ít gia đình vay tiền tỷ đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú homestay nhưng không có khách đến ở, dẫn đến nợ nần chồng chất./. Doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt để thu hút, giữ chân lao động