Điện toán đám mây – cuộc cách mạng công nghệ thông tin

Điện toán đám mây được miêu tả là “cơn sóng thần công nghệ” đang thâm nhập thị trường Việt Nam với khoảng 46% doanh nghiệp và các tổ chức tham gia.

Theo khảo sát mới đây của Symantec, một công ty phần mềm hàng đầu thế giới, hiện Việt Nam có khoảng 46% doanh nghiệp và tổ chức đang triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM) và các dự án ảo hóa.

Cơ hội cho các doanh nghiệp… lên mây

ĐTĐM giúp các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, cải thiện khả năng lưu trữ, tăng cường an ninh bảo mật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ảo hóa máy chủ đang là xu hưởng của nhiều doanh nghiệp và tổ chức

Hãng bảo mật Symantec cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam có mối quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng ĐTĐM và nắm lấy cơ hội mà công nghệ mới này đem lại. Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy 39% doanh nghiệp trong nước hiện đang sử dụng dịch vụ phần mềm ảo tư nhân (VPS), trong khi 21% đang ảo hóa máy chủ và cơ sở dữ liệu.

Một báo cáo gần đây của nhóm nghiên cứu Gartner nhấn mạnh tới sự phát triển của ĐTĐM trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo khảo sát, khoảng 50% doanh nghiệp và các tổ chức trên thế giới đang ứng dụng công nghệ hiện đại này với tốc độ tăng trưởng 17% mỗi năm. Năm 2011, doanh thu dịch vụ điện toán đám mây toàn cầu lên tới 2,4 tỷ USD. Gartner dự đoán con số này sẽ tăng gần gấp 4 lần trong năm tới.

Các công ty hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft và HP nhận định Việt Nam đang tiến hành một cuộc cách mạng công nghệ và đã gặt hái được thành công bước đầu.

Một số doanh nghiệp và các tổ chức trong nước đi tiên phong trong cuộc cách mạng này bao gồm VinaCorp, công ty phần mềm Quang Trung, và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những đơn vị này đã đón đầu được xu hướng phát triển của công nghệ ĐTĐM và nhanh chóng tiến hành ứng dụng để tăng khả năng cạnh tranh và đổi mới hoạt động.

Tập đoàn Microsoft đang phối hợp với các đối tác Việt Nam xây dựng trang web bằng tiếng Việt về khả năng ứng dụng dịch vụ điện toán đám mây, tại địa chỉ: (microsoft.com/asia/cloud/Vietnam).

Oscar Chang

Oscar Chang, Phó giám đốc của tập đoàn Trend Micro, khẳng định rằng điện toán đám mây cung cấp cho các doanh nghiệp một cơ hội tuyệt vời để tái cơ cấu mô hình hoạt động.

Công nghệ này sẽ giúp các doanh nghiệp và tổ chức tiết kiệm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, chi phí bảo trì, tài sản cố định. Một trong những điểm mạnh của ĐTĐM là người sử dụng có thể truy cập các tài nguyên “trên mây” ở bất cứ đâu, bất cứ thời gian nào miễn có kết nối Internet, ông nói.

Rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những lợi ích to lớn, điện toán đám mây cũng còn tiềm ẩn nhiều mối đe dọa an ninh, như dữ liệu mà trước đây lưu trữ tại chỗ, giờ được chuyển vào “đám mây”.

Oscar Chang cho rằng ứng dụng điện toán đám mây là một chiến lược nhiều rủi ro so với mô hình CNTT truyền thống. Trước đây, hacker tấn công từng máy tính một để lấy dữ liệu. Nhưng với ĐTĐM, dữ liệu được tập trung ở một nơi nên kẻ tấn công sẽ khai thác được nhiều thông tin hơn và điều này gây lo ngại cho các doanh nghiệp.

Để tránh rủi ro, theo ông, Việt Nam nên chú trọng đến vấn đề bảo mật song song với quá trình triển khai các dự án điện toán đám mây.

Hiện tại, một số doanh nghiệp và tổ chức vẫn dè dặt trong việc ứng dụng ĐTĐM vì e ngại chưa đủ kiến thức và khả năng kiểm soát những rủi ro tiềm ẩn và khả năng khắc phục thảm họa.

Tuy nhiên, các chuyên gia CNTT cho rằng các doanh nghiệp và tổ chức nên sử dụng dịch vụ này nếu không muốn bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên