Điều kiện đã hội đủ để đẩy mạnh đầu tư kinh doanh Pháp-Việt
VOV.VN - Nhận định chung được đưa ra tại buổi toạ đàm về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Paris – Ile de France tổ chức ngày 23/6.
“Tất cả các điều kiện đều đã hội tụ đủ để bước sang giai đoạn mới, đẩy mạnh hơn nữa các trao đổi thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Pháp trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19”. Đó là nhận định chung của hầu hết các diễn giả tham gia buổi toạ đàm về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam do Phòng Thương mại và công nghiệp Paris – Ile de France tổ chức tại Thủ đô Paris chiều 23/6.
Hơn 80 doanh nghiệp trong vùng Ile de France ở Thủ đô Paris cũng như các vùng lân cận đã tham gia buổi toạ đàm, thảo luận về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh mới.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, bà Marie-Christine Oghly, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris - Ile de France, phụ trách hợp tác quốc tế khẳng định, là nơi tập hợp các doanh nghiệp của vùng kinh tế lớn nhất nước Pháp, CCI Paris-Ile de France luôn ghi nhận sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp Pháp đến thị trường Việt Nam.
Bà Marie-Christine Oghly cũng cho biết, khi tháp tùng Thủ tướng Pháp Édouard Philippe trong chuyến thăm đến Việt Nam cuối năm 2018, các lãnh đạo của CCI Paris-Ile de France đã đánh giá Việt Nam đang thành công trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ để hiện đại hoá, công nghiệp hoá, đô thị hoá và đã gia tăng được vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
Do đó, theo bà Marie-Christine Oghly, các doanh nghiệp Pháp lựa chọn đầu tư tại Việt Nam không chỉ là hướng đến một thị trường rất tiềm năng với 100 triệu dân và một tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, mà còn có thể biến Việt Nam thành bàn đạp để thâm nhập vào các thị trường rộng lớn khác tại châu Á, nhờ vị trí địa lý trung tâm của Việt Nam trong khu vực.
Đồng tình với nhận định này, ông Geert Dom, đại diện của Công ty Deep C - hiện đang vận hành khu công nghiệp lớn ở Hải Phòng, đưa ra các con số cho thấy, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới khi đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn nhất thế giới và ngoài thị trường nội địa gần 100 triệu dân Việt Nam còn có vị trí địa lý trung tâm, có thể tiếp cận với khoảng 3,5 tỷ dân trong khoảng cách 5 giờ bay.
Ông Geert Dom đưa ra 4 tiêu chí cho rằng, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư đáng chú ý nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay đối với các doanh nghiệp châu Âu, bao gồm việc đã ra khỏi đại dịch Covid-19, Việt Nam đã ký EVFTA với EU, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và vị trí thích hợp cho chiến lược Trung Quốc + 1 với các doanh nghiệp muốn đa dạng hoá hoạt động trong khu vực.
“Đối với các doanh nghiệp Pháp và châu Âu, Việt Nam mang lại cơ hội lớn với chiến lược Trung Quốc + 1 vì đây là nơi để lựa chọn khi các doanh nghiệp rời Trung Quốc hay muốn phát triển thêm các nhà máy mới bên ngoài Trung Quốc, qua đó có thể vừa phục vụ thị trường quốc tế lẫn thị trường Trung Quốc. Đây là thời điểm để đến Việt Nam, để tận dụng tất cả những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký cũng như thị trường nội địa lớn mà Việt Nam đang có”, ông Geert Dom nói.
Là người có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư và điều hành doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Thibaut Giroux, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt (CCIFV) cho biết, việc Việt Nam ký EVFTA với EU cuối năm 2020 đã tạo ra các lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư vào Việt Nam và trong vài tháng qua, từ khi Việt Nam ra khỏi đại dịch Covid-19, CCIFV đã nhận được rất nhiều câu hỏi quan tâm đầu tư vào Việt Nam từ phía các doanh nghiệp Pháp.
Ông Thibaut Giroux cũng đánh giá, đây là thời điểm thích hợp nhất để đẩy mạnh hơn nữa đầu tư và trao đổi thương mại với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới căng thẳng vì vấn đề vận chuyển-cung ứng hàng hoá thì vị trí địa lý của Việt Nam là lợi thế cạnh tranh lớn.
“Hiện nay tất cả các điều kiện đã hội đủ. Chúng ta đã ra khỏi một giai đoạn khó khăn vì Covid-19. Cần tận dụng khoảng thời gian này vì ngoài chuyện kết thúc đại dịch, Việt Nam cũng đã và sắp ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, Việt Nam có vị trí đặc biệt trung tâm tại ASEAN nên đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn. Các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam sẽ có thuận lợi rất lớn về mặt hậu cần”, ông Thibaut Giroux khẳng định.
Về phía Việt Nam, tham gia buổi toạ đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và ông Nguyễn Quốc Cương, đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư tại Pháp, đã thông tin và trả lời rất nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp Pháp về môi trường đầu tư, quy định pháp lý cũng như các lợi thế so sánh của Việt Nam với các nước khác trong khu vực.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đánh giá, sự hiện diện đông đảo của các doanh nghiệp Pháp trong mỗi sự kiện thảo luận về cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam là minh chứng rõ nét cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam, đặc biệt sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, mới nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Pháp cuối năm 2021, đã tạo các nền tảng vững chắc về mặt chính trị-văn hoá để các doanh nghiệp hai bên thúc đẩy hợp tác.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng cho rằng, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp đang sắp đón nhận các cú hích lớn hơn nữa trong thời gian tới khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược trong năm 2023 nên các doanh nghiệp Pháp cần tận dụng tối đa thời điểm năng động này để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam./.