Đồ chơi Trung Thu: Hàng Trung Quốc lại lấn át thị trường

VOV.VN - Hình thức bắt mắt, mẫu mã đổi mới liên tục, ăn theo các phim hoạt hình nổi tiếng, đồ chơi xuất xứ Trung Quốc vẫn được các em đòi bố mẹ mua.

Không chứng nhận hợp quy, không in tiếng Việt và cũng chẳng rõ nhà nhập khẩu, năm nay, đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm đa số tại các sạp hàng trên các phố Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can (Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Những chếc đèn lồng nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích.

Hình thức bắt mắt, mẫu mã đổi mới liên tục, ăn theo các phim hoạt hình nổi tiếng được trẻ em ưa thích, khiến phần lớn các em đều đòi bố mẹ mua cho mình đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.

 Mặc dù vài năm gần đây, đồ chơi Việt Nam đã có những bước chuyển mình để theo kịp và đáp ứng thị trường, như sản phẩm đèn lồng mang chủ đề biển đảo, mặt nạ giấy bồi các nhân vật hoạt hình như người nhện, xì trum… nhưng dường như những cố gắng của các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa đủ trong khi nhu cầu và thị hiếu của trẻ em ngày một cao hơn.

Đồ chơi trung thu của Việt Nam vẫn khá khiêm tốn khi chỉ dừng lại ở vài ba chủng loại mang tính truyền thống như: đầu sư tử, trống quân, đèn ông sao… với mức giá tương đối cao. Đầu sư tử có giá từ 50 nghìn đến 2 triệu đồng/con, tùy kích thước và độ tinh xảo; Đèn ông sao có giá từ 30 nghìn đến 200 nghìn đồng/chiếc, tùy kích cỡ; Mặt nạ giấy bồi các loại khoảng 50 nghìn đồng/cái; Đèn lồng có giá từ 20 nghìn đến 60 nghìn đồng/cái, tùy chất liệu và kích cỡ…

Trong khi các đồ chơi giá rẻ, hàng Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh như mặt nạ nhựa giá từ 15 nghìn đến 40 nghìn đồng/cái, đèn lồng có giá 30 nghìn đến 45 nghìn đồng/chiếc…Bên cạnh đó, các loại đồ chơi như bộ đồ công chúa Elsa giá 250 nghìn đồng, bộ cánh tiên 50 nghìn đồng hay các loại mũ công chúa có đèn 25 nghìn đồng/cái… rất thu hút trẻ em.

Đèn lồng hình con cá được làm từ tre và vải lụa.

Chị Nguyễn Thị Hà, tiểu thương trên phố hàng Mã cho biết: “Đồ chơi truyền thống Việt Nam được mua nhiều là đầu sư tử, trống, còn các thứ như đèn lồng, đèn cù…chỉ gọi là điểm thôi. Giá đầu sư tử vẫn như năm ngoái là 50 nghìn đồng/con. Các đồ chơi khác thì không có gì mới cả. Mặt nạ thì vẫn phải nhập Trung Quốc. Đấy như đèn lồng con cá này cũng của Trung Quốc nhưng trẻ con lại rất thích. Giá cả thì vẫn như năm ngoái thôi. Không có rẻ hơn”.

Tâm lý trẻ em chơi đồ chơi thường chóng chán. Ngoài ra, các em còn nhỏ, chưa biết cách giữ gìn đồ chơi nên phụ huynh thường có tâm lý mua đồ chơi giá rẻ cho trẻ chơi vài ba lần rồi bỏ cũng không tiếc.

Chị Đặng Kim Loan, ở chung cư khu Linh Đàm, quận Thanh Xuân cho biết, hàng Trung Quốc mặc dù không bền, nhưng giá thành rẻ và trẻ rất ưa thích: “Trẻ con bây giờ không được hưởng không khí trung thu như ngày xưa. Đấy cũng là thiệt thòi. Trước cứ gần đến trung thu, chúng tôi đã được làm những đồ chơi như hạt bưởi, đèn lồng…háo hức từ đầu tháng. Bình thường đi làm cũng ít có thời gian tiếp xúc với hàng xóm, nên trung thu chúng tôi cũng cố tổ chức buổi phá cỗ cho trẻ con được tụ tập chơi với nhau. Năm nay, tôi thấy có nhiều loại đèn lồng đẹp, giá hợp lý. Có lẽ tôi sẽ mua mũ công chúa, đèn lồng hình cá, bướm cho con gái. Còn con trai thì mua đèn lồng với trống. Chủ yếu để chơi hôm rằm thôi”.

Các nhà sản xuất Trung Quốc có thế mạnh nắm bắt tâm lý thị trường rất nhạy bén. Họ liên tục tung ra các sản phẩm mới, mẫu mã bắt mắt, ăn theo các phim hoạt hình nổi tiếng được trẻ em ưa thích. Bà Nguyễn Thị Nụ, chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Trương Định cho biết, dù rất muốn bán hàng đồ chơi Việt Nam, nhưng nhu cầu người tiêu dùng với những mặt hàng này không cao: “Từ mùng 7, mùng 8 trở ra, chỉ trong vòng khoảng 1 tuần, người ta mua đồ chơi trung thu nhiều. Đồ chơi vẫn phải nhập Trung Quốc nhiều như đèn lồng này có nhạc, có đèn trẻ con thích lắm. Đồ chơi Việt Nam cũng khá nhiều chủng loại nhưng mẫu mã xấu, kém hấp dẫn, thô. Giá thì lại đắt hơn. Những năm trước tôi cũng có lấy nhưng bán chậm lắm. Cũng có người hỏi nhưng khi nói giá người ta lại chê đắt không mua”.

Đèn lồng giấy với hình thù đa dạng và các loại đèn cù nhựa của Trung Quốc.

 Gần đây, Hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu (RAPEX) có đưa ra những khuyến cáo đối với người tiêu dùng, đặc biệt là các bậc phụ huynh về việc đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc có thể gây những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe trẻ em, nhất là những đồ chơi bằng nhựa vì chứa hàm lượng Diethylhexyl phthalate (DEHP) ở mức khá cao, từ 15-30%.

Loại hóa chất này có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản hoặc gây hen suyễn, dị ứng… nếu tiếp xúc thường xuyên, nhất là trong điều kiện nhiệt độ cao.

Ở Trung Quốc, việc sản xuất các loại đồ chơi rẻ tiền thường do các xưởng sản xuất gia công thực hiện. Việc pha chế Diethylhexyl phthalate thường không được kiểm soát chặt chẽ và là nguy cơ gây hại trực tiếp cho người dùng. Các phụ huynh cần lưu ý không để trẻ vừa cầm nắm đồ chơi vừa bốc đồ ăn, nhất là không cho trẻ ngậm hay gặm đồ chơi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bánh Trung thu “homemade” liệu có sạch?
Bánh Trung thu “homemade” liệu có sạch?

VOV.VN -Nguyên liệu làm bánh Trung thu dễ có nguy cơ nhiễm vi sinh gây bệnh và môi trường sản xuất bánh phải đảm bảo an toàn.

Bánh Trung thu “homemade” liệu có sạch?

Bánh Trung thu “homemade” liệu có sạch?

VOV.VN -Nguyên liệu làm bánh Trung thu dễ có nguy cơ nhiễm vi sinh gây bệnh và môi trường sản xuất bánh phải đảm bảo an toàn.

Khám phá nghề đúc khuôn bánh Trung thu giữa phố cổ Hà Nội
Khám phá nghề đúc khuôn bánh Trung thu giữa phố cổ Hà Nội

VOV.VN - Ít ai biết rằng, giữa phố cổ Hà Nội vẫn còn có người thợ lưu giữ nghề đúc khuôn bánh trung thu truyền thống.

Khám phá nghề đúc khuôn bánh Trung thu giữa phố cổ Hà Nội

Khám phá nghề đúc khuôn bánh Trung thu giữa phố cổ Hà Nội

VOV.VN - Ít ai biết rằng, giữa phố cổ Hà Nội vẫn còn có người thợ lưu giữ nghề đúc khuôn bánh trung thu truyền thống.