Doanh nghiệp bán lẻ nỗ lực bình ổn giá

VOV.VN -Một số doanh nghiệp phân phối bán lẻ khẳng định sẽ áp dụng chính sách giá bình ổn như thời gian trước

Thời gian này, thị trường đang chịu áp lực từ việc tăng giá nhiều loại hàng hóa. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phân phối bán lẻ khẳng định sẽ áp dụng chính sách giá bình ổn như thời gian trước.

Hiện các doanh nghiệp đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời vượt qua khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh khi sức mua chưa có nhiều cải thiện. Trong bối cảnh nhiều loại hàng hóa đầu vào tăng cao thì nỗ lực giữ bình ổn giá hàng hóa thể hiện nỗ lực lớn của nhiều doanh nghiệp.

Theo thống kê thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 đã tăng 0,27% và dự kiến tháng 8 sẽ tăng thêm 0,15% do những ảnh hưởng từ việc điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp trong thời gian gần đây.

Trên thị trường tự do, nhiều hàng hóa đã thiết lập mặt bằng giá mới, đặc biệt là sản phẩm sữa và thực phẩm tươi sống với mức tăng từ 2-10%.

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, thì do Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối hàng hóa chính, nên mức tăng thường nhanh hơn.

Hiện nay, tại thị trường tự do của Hà Nội, đã có sự điều chỉnh giá nhiều mặt hàng, tuy mức tăng nhẹ và chưa ồ ạt. Đồng thời nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang chịu áp lực tăng giá từ nhà cung cấp.

Ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Nhiều nhà cung cấp hàng cho siêu thị đã gửi thông báo tăng giá 10% một số các mặt hàng thuộc nhóm bách hóa, lương thực, thực phẩm... Nhiều nhà cung cấp không tăng cụ thể mà thay đổi mẫu mã, kiểu dáng để tăng giá, người tiêu dùng cần chú ý. Ngoài ra, các siêu thị khi đàm phán phải tạo đối trọng với nhà cung cấp để phân tích mức tăng đó có hợp lý hay không?”.

Tuy nhiên, theo khẳng định của nhiều doanh nghiệp phân phối bán lẻ thì họ sẽ không tăng giá bán hàng hóa nhằm tăng sức cạnh tranh với chợ truyền thống trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thắt chặt chi tiêu.

Có được điều này là do doanh nghiệp luôn có chính sách thu mua hàng hóa ổn định, cam kết với nhà cung cấp mức giá bình ổn trong thời gian dài. Đồng thời luôn có sự đối thoại với các nhà cung cấp để kịp thời làm rõ nguyên nhân và tác động của việc điều chỉnh xăng dầu và giá nguyên liệu lên giá thành sản phẩm, nhờ đó đánh giá việc tăng giá có hợp lý hay không để có sự điều chỉnh.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị BigC cho biết: HIện Big C đang áp dụng nhiều giải pháp, trong đó đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, liên kết với nhà sản xuất để tạo mức giá tốt cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thái Dũng cho biết thêm: “Chúng tôi luôn duy trì sự cạnh tranh từng mặt hàng và từng nhóm hàng bằng cách duy trì đồng thời từ 2-3 nhà cung cấp. Nếu 1 nhà cung cấp đề nghị tăng giá mà nhà cung cấp cùng mặt hàng đó không tăng giá thì sẽ bị mất thị phần ngay tại siêu thị big C chưa nói là trên thị trường. Nhờ duy trì được sức cạnh tranh công bằng như vậy, các nhà cung cấp tự ghìm nhau không tăng giá trong bối cảnh sức mua thị trường còn thấp như hiện nay”.

Bà Vũ Phương Thanh, Phó giám đốc ban quản lý siêu thị công ty cổ phần Intimex Việt Nam cho biết, năm nay sức mua giảm thêm 30% so với năm ngoái. Vì vậy áp lực tăng giá hàng hóa sẽ làm mất đi sức cạnh tranh của siêu thị. Giải quyết khó khăn này, hệ thống siêu thị Intimex cũng triển khai nhiều giải pháp khuyến khích các nhà sản xuấtđưa hàng vào siêu thị bằng các chính sách như hỗ trợ giảm thiểu thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách trưng bày.

Bà Vũ Phương Thanh cho biết: “Khi có biến động về giá thì nhà bán lẻ quan tâm đến giữ chân khách hàng của mình đảm bảo giá tăng nhưng lượng mua không giảm đi”.       

Hiện hệ thống siêu thị mới chỉ chiếm gần 30% thị phần, 70% còn lại là hệ thống chợ và các cửa hàng tiện ích nhỏ lẻ. Trong bối cảnh sức mua còn yếu như hiện nay, việc thu hút khách hàng đến siêu thị là một trong vấn đề sống còn của doanh nghiệp phân phối bán lẻ.

Vì vậy những nỗ lực trong bình ổn giá hàng hóa và đảm bảo chất lượng sẽ là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay. Đồng thời, khi có sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp bán lẻ trong kìm giữ giá từ các nhà cung ứng sẽ tránh tăng giá ồ ạt, giúp kiềm chế mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng cũng như tăng sức mua hàng hóa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá điện, gas, sữa đồng loạt tăng từ 1/8
Giá điện, gas, sữa đồng loạt tăng từ 1/8

Tại TP HCM, giá gas tăng 8.000 đồng/bình 12kg và giá sữa tăng 5-20%. Giá gas bán lẻ đã tăng 3 lần từ đầu tháng 6/2013.

Giá điện, gas, sữa đồng loạt tăng từ 1/8

Giá điện, gas, sữa đồng loạt tăng từ 1/8

Tại TP HCM, giá gas tăng 8.000 đồng/bình 12kg và giá sữa tăng 5-20%. Giá gas bán lẻ đã tăng 3 lần từ đầu tháng 6/2013.

Tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?
Tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?

VOV.VN -Giá điện trong 2013 có thể tăng từ 10-15%, dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.

Tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?

Tăng giá điện: Chuyên gia, người tiêu dùng nói gì?

VOV.VN -Giá điện trong 2013 có thể tăng từ 10-15%, dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.