Doanh nghiệp bán lẻ Việt: Làm sao để không chết?
Ngành bán lẻ Việt Nam đang đi từ phương tiện thô sơ lên ôtô và lên máy bay...
Với một nền kinh tế đang phát triển với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam là vùng đất hứa của ngành hàng bán lẻ, tiêu dùng.
Ngành bán lẻ Việt Nam được nhận định tiềm năng với quy mô thị trường 100 triệu dân trong tương lai |
Làm sao để không chết?
Ông Matthew Powell, Giám đốc phụ trách thị trường Hà Nội Savills Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ dân số thành thị tăng khoảng 3-4% mỗi năm – tương đương 3,5 triệu người – là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bình quân mặt bằng bán lẻ hiện nay tại Hà Nội là 0,26 m2/người, Tp.HCM là 0,12 m2/người – thấp hơn rất nhiều so với các thành phố khác trong khu vực như Bangkok (0,89 m2/người), Singapore (0,75 m2/người), Bắc Kinh (0,65 m2/người)…
Ông Ralf Matthaes – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Infocus Mekong Research cho biết người tiêu dùng ngày càng thay đổi cách tiêu dùng.
Ông Matthaes cho rằng trong khi các doanh nhân biết rõ hơn về xu hướng tiêu dùng, có niềm tin hơn về sự phát triển của nền kinh tế, thì phần lớn người tiêu dùng vẫn còn hoài nghi, thiếu niềm tin, và tỏ ra dè dặt trong tiêu dùng.
Sự bùng nổ của giao dịch thương mại điện tử cùng uy tín của các hãng bán lẻ đã thúc đẩy mạnh mẽ ngành hàng này. 80% doanh thu bán lẻ của Việt Nam đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ.
Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Trung tâm phát triển kinh doanh, dịch vụ kỹ thuật và thương mại điện tử FPT Digital Retail cho rằng nếu chỉ dựa vào một nền tảng, ví dụ bán hàng tại cửa hàng thực, hay bán hàng online, doanh nghiệp sẽ bị giới hạn, có thể thất bại. Bán hàng đa kênh trở thành một xu hướng bán lẻ hiệu quả.
Ông Bảo đưa ra con số thống kê cho biết 44% khách hàng tìm hiểu sản phẩm online và tiếp tục đặt hàng online. Tỷ lệ khách hàng tìm hiểu sản phẩm online nhưng mua tại các cửa hàng lên tới 51% - cao hơn 17 %. Sự tương tác giữa các kênh bán hàng là điều tương đối rõ rệt.
Bên cạnh đó, hành vi người tiêu dùng cũng đã có những thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây, khi các thiết bị điện thoại thông minh ngày càng trở nên phổ biến. Có tới 67% người tiêu dùng bắt đầu hoặc kết thúc việc mua bán của mình thông qua một thiết bị điện tử - cho dù họ mua sắm trực tiếp hay online.
Về lĩnh vực logistics hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ, ông Lương Duy Hoài, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Giao hàng nhanh (GHN) cho biết xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ đang mở ra cơ hội và thách thức cho các hãng logistics. Không phải ai giao hàng nhanh nhất, mà là ai nắm bắt cuộc chơi nhanh nhất sẽ là người làm chủ cuộc chơi, chiếm lĩnh thị phần.
Bài toán đặt ra cho thị trường bán lẻ hiện đại là làm thế nào để phân phối sản phẩm tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người mua mỗi ngày. Mạng lưới giao hàng đáp ứng tính phức tạp trong yêu cầu cá biệt từng khách hàng - quyết định sự thành công trong lĩnh vực này.
Thị phần bán lẻ - Cuộc đua đang dần cân sức
Bà Trịnh Lan Phương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Bibo Mart cho hay, Bibo Mart đã bắt đầu với một con số rất ít ỏi, 130 triệu đồng. Sau 10 năm thành lập, Bibo Mart hiện được định giá 142 triệu USD, doanh thu trên 100 triệu đô la Mỹ và có 150 cửa hàng nằm ở nhiều tỉnh thành cả nước. Nhưng để đạt được con số này là cả một chặng đường dài vất vả.
Theo bà Phương, bán lẻ Việt Nam còn thiếu rất nhiều điều kiện như con người, nền tảng công nghệ, năng lực quản trị. Về con người, Việt Nam chưa có các trường đào tạo bán lẻ sẵn sàng cung ứng ngành nhân lực bán lẻ có chất lượng cho Việt Nam. Tuyển dụng nhân sự có chất lượng, đào tạo bài bản về ngành, có thể bắt nhịp công việc được ngay thực sự là một thách thức lớn.
Về nền tảng về công nghệ, các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống chưa có hệ thống công nghệ nền tảng. Hệ thống quản trị ERP chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai thành công. “Rõ ràng, chúng ta đi từ các phương tiện thô sơ. Bán lẻ truyền thống đang nỗ lực rất lớn để hiện đại hoá, bắt được các chuẩn mực quốc tế, đi lên một chiếc xe ôtô, và tiếp tục đi lên thương mại điện tử là lên máy bay, đương nhiên là rất thách thức với doanh nghiệp Việt Nam”, bà Phương cho hay.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, dù đứng trước các nhà bán lẻ hùng mạnh- tốt về tài chính, quản trị, kinh nghiệm- nhưng nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn lớn mạnh như Tiki, Bibo Mart, Trần Anh, Pico, Nguyễn Kim…
“Những doanh nghiệp kể trên có sự linh hoạt, thất bại thì làm đi làm lại và chịu khó học hỏi. Họ hiểu được trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hội nhập, họ phải tự chuyển mình. Dù bán hàng online, offline hay omni-channel, nhà bán lẻ vẫn phải đặt khách hàng là trung tâm”, bà Loan nhấn mạnh./.