Doanh nghiệp cạnh tranh gay gắt để thu hút, giữ chân lao động
VOV.VN - Trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung, các doanh nghiệp ở Bình Dương đang phải “đỏ mắt” tìm người, chủ động mời gọi bằng nhiều hình thức hấp dẫn.
Doanh nghiệp “khát” lao động
Thời điểm này, ở Bình Dương, hình ảnh dễ dàng nhận thấy là doanh nghiệp tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm để đăng thông tin tuyển dụng nhiều hơn người lao động đi tìm việc làm.
Thống kê từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp cần khoảng 97.000 lao động, trong đó riêng ở Bình Dương cần tuyển khoảng 70%, còn lại là doanh nghiệp đến từ đến từ: Đồng Nai, Bình Phước, Long An, TPHCM.
Trong số các doanh nghiệp tuyển dụng có đơn vị tuyển hàng ngàn lao động như: Công ty TNHH Đại Hoa, khoảng 1.000 lao động; Công ty TNHH SNP cần 3.000 lao động; Công ty TNHH MTV Grand Wood Việt Nam cần 1.000 lao động… Còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần ít nhất từ 100-300 lao động.
Nhu cầu tuyển dụng thì lớn nhưng do nguồn cung khan hiếm nên các doanh nghiệp phải thay đổi hình thức tuyển dụng.
Trung tâm Giao dịch việc làm tỉnh Bình Dương mở sàn giao dịch việc làm online hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng. |
Bà Nguyễn Thị Oanh, phụ trách sản xuất, tuyển dụng của Công Ty TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam cho biết, ngoài việc đến các trung tâm dịch vụ việc làm thì công ty còn phải tìm đến các trường dạy nghề, đi về các tỉnh lẻ để tuyển nhân công nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất.
“Ban giám đốc công ty và nhân viên tuyển dụng đã đi về các tỉnh lẻ để tuyển dụng các bạn từ xa chưa biết đến công ty. Tiếp theo là đến Trung tâm giới thiệu việc làm để ký kết tuyển thêm nhân lực; Đến các trường dạy nghề để các bạn vừa tốt nghiệp ra trường là có thể đến công ty làm việc được liền và có thu nhập ổn định chứ không phải đi tìm việc làm. Mặc dù đã có rất nhiều nguồn đầu vào nhưng hiện tại công ty đang ngày một mở rộng nên công nhân viên rất thiếu chưa đủ so với nhu cầu sản xuất”, bà Oanh nói.
Không chỉ khát lao động phổ thông mà các doanh nghiệp cũng đang tìm mọi cách để săn lao động có tay nghề, kỹ thuật.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề chiếm gần 29% trong tổng số 97.000 lao động. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động “đặt hàng” sinh viên khối kỹ thuật chuẩn bị tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng cung vẫn không đủ cầu.
Ông Vũ Quang Huy, cán bộ nhân sự Công ty Cổ phần Tekcom (đóng trên địa bàn thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho hay, công ty cần 6 thợ bảo trì cơ khí nhưng 2 tháng nay vẫn chưa tuyển được. Thấy thông tin tìm việc của người lao động trên các trang giới thiệu việc làm, công ty gọi điện liên hệ thì họ đã xin được việc. Thật sự bây giờ để đi tìm được người có tay nghề vào làm rất khó.
Giải “bài toán” lao động cho doanh nghiệp
Khan hiếm nguồn lao động bổ sung, tất yếu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút, giữ chân người lao động. Thêm vào vào đó, việc phát triển công nghiệp mạnh mẽ ở nhiều tỉnh thành khác khiến nguy cơ người lao động nhập cư rời bỏ Bình Dương để tìm kiếm công việc ổn định ở quê nhà là rất lớn. Nhất là khi bắt đầu xuất hiện tình trạng, nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh có ý tuyển dụng trực tiếp nguồn lao động từ Bình Dương về. Chính vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng đang là “bài toán” khó mà Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đang phải đối mặt.
Trước thực trạng trên, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước, Sở đã chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để hỗ trợ. Đồng thời kết nối với rất nhiều trung tâm các tỉnh, thành nhằm điều tiết, thu hút lao động từ các địa phương khác đến Bình Dương. Ngoài ra, Sở còn tổ chức các cơ sở đào tạo nghề gắn kết với nhu cầu của từng doanh nghiệp.
“Sở sẽ tổ chức các cơ sở đào tạo nghề gắn kết với doanh nghiệp, đặc biệt là các hiệp hội ngành hàng của tỉnh để họ có điều kiện tuyển dụng”, ông Tuyên chia sẻ..
Nhiều doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động tại Trung tâm Giao dịch việc làm tỉnh Bình Dương |
Còn theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, để thu hút được nguồn lao động, ngoài hỗ trợ từ tỉnh các doanh nghiệp đều phải đưa ra những chính sách như: lương, phụ cấp phù hợp thỏa đáng. Song song với đó là những thông tin cụ thể về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến cho những người lao động giỏi, có nhiều cống hiến…
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương khẳng định, trong thời điểm này, doanh nghiệp nào có chế độ tốt sẽ “kéo” được lao động về phía mình: “Để tuyển dụng được lao động, các doanh nghiệp cần có phúc lợi, trả lương ưu đãi cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Hiện nay, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tương đối lớn, khi đó người lao động sẽ lựa chọn doanh nghiệp nào có mức lương, chế độ phúc lợi ưu đãi như hỗ trợ nhà ở, chăm sóc con cái, hoạt động vui chơi của công đoàn”.
Thực tế, khi lao động đã trở thành “thị trường” thì phải tuân theo quy luật cung cầu. Bởi vậy, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp cần có chế độ, chính sách phù hợp, bởi đây là yếu tố để thu hút và giữ chân người lao động, tạo nền tảng cho mục tiêu xây dựng quan hệ lao động bền vững./.
Giáp Tết, doanh nghiệp đua nhau tuyển lao động thời vụ