Doanh nghiệp chờ đợi hành động thực chất trong cải thiện môi trường kinh doanh
VOV.VN - Thời gian qua, Chính phủ đã và đang thể hiện rõ sự quan tâm và quyết tâm về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy, vẫn còn tình trạng chồng chéo các văn bản pháp luật khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ thời gian qua trong giải quyết môi trường về đầu tư kinh doanh và quy trình về tiếp nhận, xử lý các vấn đề vướng mắc thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính khi triển khai các dự án hoạt động của mình bị kéo dài. Cùng với đó, việc cấp giấy phép phải qua nhiều bộ ngành, lòng vòng dẫn đến hoạt động bị đình trệ.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần Hợp Lực nêu thực tế: “Có những dự án chỉ cần 4 -5 sở giải quyết, nhưng bây giờ đến mười mấy sở ngành, có những sở không phải trách nhiệm của mình nên khi trình lên thì bị trả lời chung chung. Có những dự án 1-2 năm không xong được, rất khó về thủ tục hành chính, cùng với đó là tổ chức quá nhiều các cuộc họp để xin ý kiến, không được lại vòng nữa, rất nhiều vòng… Thực trạng này đang tồn tại phần nhiều các tỉnh, thành”.
Cũng là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: “Về bất động sản để làm một dự án chúng tôi tính phải có khoảng gần 40 con dấu các thủ tục pháp lý thì mới ra được thủ tục cuối cùng. Và để có 40 con dấu thì thông thường doanh nghiệp nào làm nhanh thì mất khoảng 2 năm rưỡi, doanh nghiệp nào kém có khi 5-7 năm, thậm chí là 10 năm, như thế thì làm sao thúc đẩy được đầu tư. Tiếp đến mỗi một tỉnh quan niệm thủ tục đầu tư bất động sản theo một kiểu và sẽ có một hành lang, một quy định riêng. Đây là một vấn đề đã tồn đọng rất lâu”.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, chuỗi Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia liên tục được Chính phủ ban hành. Nhờ vậy nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, trong khoảng 3 năm trở lại đây, quá trình cải thiện môi trường kinh doanh đang bị chững lại. Nhiều điều kiện, rào cản mới đang phát sinh gây khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã thực hiện trên văn bản, nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Mặc dù, số lượng dịch vụ công trực tuyến theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cải thiện mạnh mẽ song việc thực thi còn mang tính hình thức. Tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét và chưa thực sự bám sát với thực tiễn doanh nghiệp…
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp-Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân đánh giá: “Tôi theo dõi Nghị quyết này 10 năm rồi, tôi cho rằng chúng ta có làm đúng nhưng chưa đủ, môi trường kinh doanh vào Việt Nam vẫn có nhiều gai góc như vấn đề chi phí phi chính thức còn khá cao. Cho nên tôi nghĩ trong năm này chúng ta khẳng định lại vấn đề này, vì bản thân môi trường kinh doanh Việt Nam được xếp hạng quốc tế có bao giờ đứng được số 1 đâu, mà toàn đứng thứ 70-80. Do đó tôi nghĩ sứ mạng chúng ta phải vươn lên vị trí cao hơn. Để giải quyết vấn đề này chúng ta phải giải quyết vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức, thủ tục giải phóng mặt bằng, các thủ tục miễn giảm thuế”.
Theo nhiều dự báo, năm nay tình hình doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi thị trường phục hồi chậm, chưa đạt như kỳ vọng. Do đó những giải pháp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh sẽ là trọng tâm để cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với sự trở lại của Nghị quyết số 02 ngày 5/1 vừa qua của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng vào quá trình thực thi gắn với hiện thực hóa các mục tiêu cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, thay vì chỉ hô hào, doanh nghiệp chờ đợi những hành động thực chất và quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sát cánh, tháo gỡ những vướng mắc đã và đang tồn tại gây ra những áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, thông thoáng để các doanh nghiệp có thể vận dụng năng lực khả năng của mình để đạt được hiệu quả cao trong hoạt động. Cùng với đó, thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp- Đây sẽ là giải pháp quan trọng nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương.
“Việc xử lý thủ tục cải cách hành chính trong thời gian tới để đáp ứng được nguyện vọng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp thì ngay trong các cơ quan xử lý phải cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ ngay trong nội bộ của các cơ quan mình. Cần tránh hình thức hóa khi thực hiện trong việc giải quyết những công việc, tránh tối đa việc tiếp nhận yêu cầu thì bằng điện tử, nhưng mà xử lý giải quyết bằng quy trình thông thường… như vậy sẽ gây những ảnh hưởng trong quá trình thực thi nhiệm vụ” - ông Hoàng Quang Phòng nói.
Cộng đồng doanh nghiệp luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của kinh tế đất nước. Do đó để tạo thuận lợi cho lực lượng này phát triển, rất cần giải pháp để chống chồng chéo, xung đột pháp luật. Cần khơi dậy đông lực, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan Trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết… Từ đó để môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, thuận lợi tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.