Doanh nghiệp chung tay giảm giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg
VOV.VN - Doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi lợn có trách nhiệm quan trọng trong việc ổn định, bình ổn giá lợn, cung cấp ra thị trường với mức giá phù hợp.
Chung tay cùng Chính phủ và hưởng ứng kêu gọi của Bộ NN&PTNT, ngày mai (1/4) các doanh nghiệp chăn nuôi lớn sẽ điều chỉnh giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, qua đó thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc của Tập đoàn Mavin về vấn đề này.
PV: Thưa ông, trong thời gian qua mặc dù đã có sự vào cuộc của các doanh nghiệp lớn nhưng vì sao giá thịt lợn đến tay người dân vẫn còn tình trạng tăng giá như vậy?
Ông Đào Mạnh Lương: Điều này cũng dễ hiểu thôi. Đầu tiên phải nói rằng trong thời gian vừa qua các doanh nghiệp đều chung tay với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan. Giá lợn vẫn còn có chênh lệch cao phản ánh những vấn đề cung cầu, thứ hai là giá ở các khâu trung gian cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin. |
PV: Theo ông, đâu sẽ là những giải pháp mang tính then chốt để sự chung tay của các doanh nghiệp có hiệu quả thiết thực, thay vì lúc giá lên chúng ta lại kêu gọi giảm giá, lúc giá xuống thì kêu gọi phải giải cứu?
Ông Đào Mạnh Lương: Chúng tôi cũng đã có những kiến nghị đối với Phó Thủ tướng và Bộ NN&PTNT về các giải pháp toàn diện, về dài hạn trong việc phát triển ổn định ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam.
Việc đầu tiên là phải cân bằng, ổn định được cung cầu. Chính vì vậy cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định chuyên đề về việc phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian sắp tới.
Bởi vì ngành chăn nuôi lợn ở Việt Nam đã trải qua một thời gian rất dài khủng hoảng, từ giá cho đến dịch bệnh đã dẫn đến tâm lý trong các hộ chăn nuôi ngại trong việc tăng đàn, tái đàn trong thời gian vừa qua cũng như thời gian tới.
Rất mong Chính phủ ban hành Nghị định về chuyên đề, mà ở đó đưa ra các giải pháp tổng thể về tín dụng đất đai, các nguồn lực, chính sách để thực hiện việc phát triển cho các hộ chăn nuôi yên tâm trong việc tái đàn để đảm bảo được cân bằng cung cầu.
PV: Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần có tinh thần trách nhiệm xã hội cũng như có trách nhiệm chính trị như thế nào để cùng đồng hành Chính phủ phòng, chống dịch?
Ông Đào Mạnh Lương: Hiện nay toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức phòng, chống dịch Covid-19 - một trong những tình huống rất quan trọng của đất nước cũng như toàn thể nhân dân.
Đối với doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi lợn nói chung, trách nhiệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc ổn định, bình ổn giá, làm sao cung cấp ra thị trường mức giá phù hợp để cho người tiêu dùng có được sản phẩm thịt lợn với giá hợp lý, đặc biệt trong thời điểm cực kì khó khăn này.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.
Để giá thịt lợn không còn “nhảy múa”, các DN cần có sự phối hợp