Doanh nghiệp công nghệ cao của Nga quan tâm thị trường Việt Nam

VOV.VN - Một đoàn gồm lãnh đạo 10 doanh nghiệp công nghệ cao của Nga... đang có chuyến thăm, làm việc tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn với Việt Nam.

Chuyến thăm nằm trong khuôn khổ dự án án “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới”, dự kiến kéo dài từ 20- 25/10 với hàng loạt các hoạt động tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.


Tại cuộc họp báo sáng 20/10, bà Strozhaeva Lubov Viktorovna – Chủ nhiệm Dự án “Nga-Việt Nam: nền kinh tế mới” cho biết: Được khởi động từ tháng 4/2012, dự án hướng tới tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hai nước chuyển giao, phát triển, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Hiện, quá trình đối thoại của các bên tham gia hợp tác công nghệ giữa hai nước qua việc thực hiện dự án “Nga-Việt Nam: Nền kinh tế mới” đang phát triển tích cực. Các doanh nghiệp Nga không chỉ quan tâm việc tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam trong các lĩnh vực truyền thống như kinh tế, quốc phòng, khoa học kỹ thuật, giáo dục, mà còn muốn hợp tác sâu rộng hơn trong phát triển công nghệ mới, lĩnh vực có tiềm năng lớn của cả hai bên. 

Đây là chuyến thăm và làm việc lần thứ 6 của đoàn doanh nghiệp Nga tới Việt Nam trong khuôn khổ dự án. Nhiều cuộc hội thảo bàn tròn giữa các doanh nghiệp Nga tại các bộ, ngành của Việt Nam đã được tổ chức với sự tham gia của quan chức và lãnh đạo các công ty hai nước, tiến hành các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa các thành viên trong đoàn Nga với các cấp có thẩm quyền của các bộ, ngành hữu quan và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, các buổi giới thiệu và đàm phán.

Kết thúc các hoạt động trên đã ký được nhiều hợp đồng về hợp tác thương mại, chuyển giao công nghệ, thành lập được các cơ sở sản xuất và các liên doanh hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo lịch trình, chuyến thăm, làm việc lần này, sẽ có các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo các công ty công nghệ cao của Nga với các đại diện có thẩm quyền trong ban lãnh đạo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Việt Nam, của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Trung tâm Nhiệt đới Nga-Việt, Ngân hàng Việt-Nga, Viện Nghiên cứu và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, các viện nghiên cứu chuyên ngành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Nhiều hoạt động giữa các doanh nghiệp theo hình thức hội thảo bàn tròn với sự có mặt của các công ty Nga và sự tham gia của lãnh đạo các công ty công nghiệp hàng đầu Việt Nam sẽ được tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghệ cao Sài Gòn.

Đoàn doanh nghiệp Nga cũng sẽ tiến hành các buổi làm việc, hội đàm với lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn Việt Nam và các liên doanh quan tâm tới việc tổ chức hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ dài hạn với các doanh nghiệp Nga, trong số này có các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PetroVietnam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN.

Danh sách các doanh nghiệp Nga tham gia chuyến thăm và làm việc lần này gồm:

Công ty Cổ phần “Angstrem”: Nghiên cứu chế tạo và sản xuất hàng loạt các thiết bị điện tử vi mạch, trong đó có các thiết bị chuyên dụng, bao gồm cả các mạch tích phân dùng trong công nghiệp quốc phòng, vũ trụ và nguyên tử, ngoài ra còn có các trang thiết bị viễn thông.

Công ty TNHH “Bolid”: Nghiên cứu chế tạo và cung cấp các loại công nghệ và sản phẩm nhằm nâng cao độ bền của các thiết bị điện.

Công ty TNHH “Vineta”: Thiết kế, chế tạo các thiết bị và hệ thống lọc, các thiết bị thuộc hệ thống cấp nước sạch, xử lý nhiên liệu, thiết bị tàu biển, thiết bị trao đổi nhiệt phục vụ cho nhu cầu của ngành đóng tàu biển quân sự và dân sự, công nghiệp nguyên tử, giao thông vận tải, tổ hợp nhiên liệu năng lượng, nông nghiệp.

Công ty Cổ phần “Nhà máy cơ khí Sibir”: Nghiên cứu chế tạo và sản xuất các loại thiết bị điện nung, các thiết bị đốt nóng và các thiết bị nồi hơi điện modul cảm ứng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm nguồn lực, dùng trong việc cung cấp nhiệt cho các tổ hợp sản xuất và dịch vụ công cộng đô thị.

Công ty cổ phần “Minskmetroproekt”: Thiết kế tổng hợp hệ thống xe điện ngầm, đường hầm giao thông, nhà xưởng và nhà ở dân dụng.

Viện nghiên cứu “Atoll”: Thiết kế, khảo sát kỹ thuật và lắp đặt hệ thống điều khiển thông tin ngầm dưới nước cho các vùng biển và thềm lục địa, tạo điều kiện giải quyết các nhiệm vụ quan sát thủy âm ngầm, truyền dữ liệu dải rộng theo các tuyến sợi cáp quang ngầm, thu thập thông tin từ các hệ thống quản lý ngầm và định vị các thiết bị ngầm độc lập.

Công ty TNHH “Xí nghiệp nghiên cứu và sản xuất “EKRA”: Nghiên cứu chế tạo và cung cấp các loại thiết bị bảo vệ bằng rơ-le và thiết bị tự động có hàm lượng khoa học cao, ứng dụng các phần tử điện tử vi cảm biến hiện đại nhất dùng cho các công trình điện, dầu khí và các ngành công nghiệp khác).

Công ty Cổ phần “Thiết bị giáo cụ dành cho các nhà máy điện”: Nghiên cứu chế tạo các loại thiết bị giáo cụ ứng dụng rộng rãi phục vụ công tác đào tạo thợ máy vận hành nồi hơi và tuốc-bin tại các nhà máy nhiệt điện, tổ chức huấn luyện đội ngũ nhân viên làm việc tại các nhà máy điện.

Công ty TNHH “Hóa học nước”: Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật lọc nước nhiễm thạch tín tại các trạm lọc nước cố định và di động).

Công ty TNHH “Trung tâm Hệ thống an ninh đồng bộ – Yug”: Hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ kỹ thuật thông tin bao gồm bí mật quốc gia, đánh giá các công trình thông tin hóa theo yêu cầu về an ninh thông tin, bảo vệ thông tin mật và bảo mật thông tin thương mại trong đó có các thông tin cá nhân; nhiều loại công trình và dịch vụ xây dựng trong đó có xây dựng các loại nhà ở, nhà và công trình công nghiệp, xây dựng đường xá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên