Doanh nghiệp đang lo “ế” khẩu trang chống Covid -19
VOV.VN - Với năng lực và nguồn nguyên liệu trong nước, khả năng sản xuất khẩu trang phòng dịch Covid-19 của các DN hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương đã chủ động tăng cường năng lực sản xuất mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn, khẩu trang vải dệt thoi kháng nước, kháng bụi, kháng khuẩn công nghệ nano bạc và khẩu trang vải kháng giọt bắn, kháng khuẩn. Đồng thời kết nối với các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hóa lớn, đảm bảo cung ứng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong mùa dịch.
Năng lực sản xuất vẫn còn dư địa tăng
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Dệt lụa Nam Định - ông Đào Văn Phương cho biết, DN đang ứng dụng công nghệ sinh học sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước, cùng phối hợp với một số DN trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã sản xuất, đưa ra thị trường 3 triệu chiếc khẩu trang. “Năng lực của DN có thể đảm bảo sản xuất 10 triệu khẩu trang mỗi tháng”, ông Phương khẳng định song đại diện DN vẫn lo lắng về tình trạng đầu ra sản phẩm nên đề xuất Bộ Công Thương hỗ trợ kết nối với các DN phân phối sản phẩm.
Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam - ông Cao Hữu Hiếu, Vinatex cam kết luôn đi đầu trong công tác sản xuất khẩu trang, phục vụ công tác phòng chống dịch, có thể đáp ứng nhu cầu 40 triệu chiếc khẩu trang mỗi tháng theo nhu cầu của thị trường.
Doanh nghiệp sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Vinatex) |
Khẳng định các DN thuộc Vinatex hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, song ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, rất cần sự vào cuộc của DN phân phối và các cơ quan quản lý nhà nước để DN sản xuất đảm bảo đầu ra.
“Các DN luôn sẵn sàng chia sẻ cùng cộng đồng để chung tay phòng chống dịch, tuy nhiên, nỗi lo về đầu ra của sản phẩm khiến nhiều DN gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất khẩu trang đến nay vẫn còn thiếu nguyên, phụ liệu và các thủ tục, chính sách trong quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm khẩu trang”, ông Cẩm nhấn mạnh.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản lượng sản xuất vải của Việt Nam năm 2019 đạt 630 triệu mét vuông vải dệt từ sợi tự nhiên, 1.200 mét vuông vải dệt từ sợi nhân tạo, tổng cả 2 loại vải đạt 5 triệu mét vuông/ngày. Nếu tính trung bình mỗi mét vuông vải sản xuất được 20 khẩu trang và khả năng đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu, mỗi ngày Việt Nam có thể sản xuất được lượng vải tương đương 100 triệu khẩu trang các loại, đó là chưa kể nguồn vải cho sản xuất khẩu trang từ Trung Quốc cũng đã bắt đầu được nhập về Việt Nam.
Kết nối chặt giữa sản xuất và phân phối
Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra của các DN sản xuất khẩu trang, thời gian qua, Vụ Thị trường trong nước đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung-cầu, đảm bảo cho các hệ thống phân phối lớn luôn ổn định ở mức tốt nhất nguồn cung đối với sản phẩm bảo vệ sức khỏe như khẩu trang, hóa phẩm sát trùng…
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước đã kết nối các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Vincommerce (chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+), Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp phân phối nghiên cứu chủ động tăng đặt hàng khẩu trang vải trước diễn biến của dịch đang gia tăng, đáp ứng đủ nhu cẩu khẩu trang của người dân cho phòng chống dịch bệnh.
Theo Đại diện Vụ Thị trường trong nước, số liệu tổng hợp từ Saigon Coopmart, Big C, Vincommerce (Vinmart, Vinmart+), BRG Retail, MM Mega Market dự kiến cung ứng ra thị trường từ ngày 15 – 31/3 là hơn 23 triệu chiếc, tăng 13 triệu chiếc. Kế hoạch từ ngày 31/3 – 15/4 dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường gần 9 triệu chiếc.
Năng lực sản xuất khẩu trang của nhiều DN ngành có thể tăng cao hơn nếu đảm bảo đầu ra và nguồn nguyên liệu. (Ảnh: Báo SGGP) |
Nhằm tăng cường kết nối cung cầu giữa đơn vị phân phối với các DN sản xuất khẩu trang, mới đây, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác về kết nối cung cầu. Theo đó, Tổ công tác sẽ khẩn trương làm việc với Bộ Y tế; Hiệp hội Dệt may, Tập đoàn Dệt may cũng như các địa phương để xác định nhu cầu cần thiết sử dụng khẩu trang vải. Từ đó xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực để đảm bảo nguồn nguyên liệu và sản xuất.
Tổ công tác này cũng sẽ làm việc với các Tập đoàn, DN phân phối lớn có hệ thống phân phối, siêu thị, bán lẻ trên địa bàn cả nước để tham gia vào chuỗi cung ứng khẩu trang; thống nhất quy trình hỗ trợ hợp chuẩn và hợp quy của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với mặt hàng khẩu trang vải theo cơ chế nhanh nhất.
Đồng thời, Tổ công tác cũng sẽ phối hợp với các Cơ quan Thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài cùng DN sản xuất khẩu trang vải tìm kiếm, giới thiệu và phát triển thị trường xuất khẩu sau khi năng lực sản xuất, phân phối đã đảm bảo cung ứng dư dôi khẩu trang, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước./.