Doanh nghiệp dệt may “xoay xở” đơn hàng, đảm bảo việc làm cho người lao động
VOV.VN - Mặc dù các mặt hàng xuất khẩu 10 tháng năm nay tăng trưởng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra nhưng càng về thời điểm cuối năm dấu hiệu giảm rõ rệt. Với ngành dệt may, tình trạng thiếu đơn hàng sản xuất đang diễn ra ở nhiều doanh nghiệp.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp dệt may, trái ngược với thời điểm giữa năm với lượng đơn hàng dồi dào thì hiện nay, vào thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, đặc biệt là doanh nghiệp ở khu vực phía Nam.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vinatex cho biết: “Kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định, so tương quan xuất khẩu với các nước thì các ngành xuất khẩu Việt Nam lại mất lợi thế về giá trong điều kiện cầu thế giới chuyển thấp đột ngột. Chính vì vậy, chúng tôi thống nhất cao dự báo tháng cuối năm 2022 và xu hướng năm 2023 thị trường khá trầm lắng”.
Hiện nay, doanh nghiệp đang ở trong giai đoạn khó khăn, chịu áp lực rất lớn. Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, triển vọng đơn hàng quý 4 năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Thực tế số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 năm nay thấp hơn 25-50% so với quý II, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: “Chúng tôi cho rằng, doanh nghiệp phải theo dõi rất sát tình hình, lựa chọn những đơn hàng phù hợp để có thể duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Vấn đề thứ hai, trong điều kiện hiện nay, có rất nhiều việc mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng thời gian triển khai những chương trình mà các thị trường yêu cầu như chuyển đổi xanh hóa, đặc biệt về số hóa, bởi vì đây là xu hướng tất yếu không thể tránh được. Ngoài ra, chúng ta cũng liên kết với nhau để có thể chia sẻ đơn hàng, kinh nghiệm rất là cụ thể trong thời gian dịch thì rất nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ đơn hàng để giữ chân khách hàng và đảm bảo vẫn phát triển”.
10 tháng qua, ngành dệt may ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu đạt khoảng 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là nhờ doanh nghiệp đang đẩy nhanh chuyển đổi, phát triển quản trị số, chuỗi cung ứng, tự chủ, bắt kịp xu thế xanh hóa, phát triển bền vững.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo, năm 2022 mục tiêu xuất khẩu 42-43 tỷ USD có thể đạt được. Sang năm 2023, ngành dệt may đưa ra dự báo, vượt qua thách thức khó khăn đạt xuất khẩu khoảng 45-47 tỷ USD./.