Hiện lãi suất cho vay đang dao động ở mức 15-17%/năm. Với mức lãi suất này, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Tăng lãi suất vào thời điểm hiện nay được đánh giá là động thái để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp phải đối mặt với mức lãi suất cao. Lúc này, vai trò của Ngân hàng Nhà nước hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các Ngân hàng thương mại, hình thành mặt bằng lãi suất mới phản ánh đúng cung cầu trên thị trường.
Tự điều chỉnh
Mức lãi suất cho vay của ngân hàng với doanh nghiệp là khác nhau. Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ocean bank, thừa nhận, với lãi suất thỏa thuận thì sự hợp tác giữa ngân hàng và khách hàng phải đem lại lợi ích cho nhau. Ngân hàng không thể đưa ra một mức giá vốn chung cho doanh nghiệp. Theo quan điểm của ông Hoàn, lãi suất phải ở mức vừa phải, sao cho không quá đẩy rủi ro về phía ngân hàng, đồng thời không đẩy chi phí lên cao mà ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hiện lãi suất cho vay đang dao động ở mức 15-17%/năm. Với mức lãi suất này, nhiều doanh nghiệp phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Nhận được thông báo của ngân hàng về mức lãi suất cho vay 17%/năm thay cho mức 15%/năm trước đây, ông Nguyễn Đăng Cầu, Giám đốc Công ty Anpha - chuyên sản xuất bánh, kẹo - không khỏi lo lắng. Theo ông Cầu, với sự biến động của tỷ giá VND/USD, nay phải gánh thêm lãi suất tăng, dù có tiết giảm chi phí thì phần lợi nhuận thu về sẽ không được là bao.
![]() |
Lãi suất cao nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn |
Còn theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thép Việt (Pomina): “Thời gian tới, doanh nghiệp phải cắt giảm những hoạt động không cần thiết nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh, giúp sản phẩm giữ vững được khả năng cạnh tranh trên thị trường…”.
Cho vay tiêu dùng còn ở mức cao hơn. Được nhân viên của Ngân hàng Techcombank thông báo mức lãi suất lên tới 19%/năm cho khoản vay 1 tỷ đồng để xây nhà, anh Phạm Tuấn Hải, nhân viên Công ty CoMa 7 đã không còn hào hứng để làm thủ tục hồ sơ. Anh Hải cho biết, cần có thêm thời gian để đi hỏi ngân hàng khác hoặc chờ đợi sự cạnh tranh giữa các ngân hàng thì mới có cơ hội vay với lãi suất mềm hơn.
Đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng lãi suất vào thời điểm này là hợp lý, nhằm giảm lượng cung tiền để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, chia sẻ, lãi suất cho vay tăng lên đến 15-17%, thậm chí vay tiêu dùng lên tới 20% nhưng doanh nghiệp cũng rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn. Ông Kiêm phân tích, hiện nay giá cả và chi phí sản xuất đầu vào đã tăng, những đơn vị lãi được khoảng 20-25% rất ít, bình quân khoảng 20%. Nếu lãi suất là 15-17% thì phần lãi của doanh nghiệp rất thấp.
Lãi suất cao đòi hỏi doanh nghiệp phải lựa chọn dự án hiệu quả hơn và ngân hàng phải chọn đối tượng cho vay chuẩn hơn nên việc sử dụng đồng vốn hiệu quả hơn. “Quá trình chọn lựa và sàng lọc sẽ phản ánh cung - cầu trên thị trường, hình thành mặt bằng lãi suất mới, phản ánh đúng nhịp điệu lãi suất của thị trường. Và như vậy, về lâu dài điều này sẽ rất tốt với nền kinh tế…” - Ông Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cũng cảnh báo, vào thời điểm này nếu mức lãi suất vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, nền sản xuất trong nước bị co lại, ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế là không tránh khỏi. Do vậy, vai trò quản lý của NHNN rất quan trọng, để đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh giữa các ngân hàng. Bên cạnh đó, những đơn vị nào có biểu hiện găm giữ, vì lợi ích cục bộ thì phải tiến hành xử lý. Như vậy mới hỗ trợ cho hoạt động thị trường đi vào nền nếp và cạnh tranh lành mạnh./.