Doanh nghiệp FDI: Xuất khẩu nhiều, thu về ít
(VOV) - Sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp này không tạo được giá trị gia tăng lớn, không làm giảm nhập siêu.
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, trong đó có sự đóng góp lớn của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, những con số đẹp về tăng trưởng xuất khẩu này sẽ trọn vẹn hơn nếu đóng góp vào ngân sách và tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế nhiều hơn thực tế.
Doanh nghiệp FDI nhập nguyên liệu sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam tận dụng nguồn lao động. (Ảnh: baohaiquan.vn) |
Tính đến hết Quý I/2013, xuất khẩu của Việt Nam đạt 29,76 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sự đóng góp lớn của khối doanh nghiệp FDI với 17,25 tỷ USD, chiếm 58,5% kim ngạch xuất khẩu cả nước (không kể dầu thô); các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính; hàng dệt may, giày dép... Tuy nhiên, để xuất khẩu được 17,25 tỷ USD, khối doanh nghiệp này đã phải nhập linh kiện đầu vào mất 16,60 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thực tế chỉ còn 1,19 tỷ USD.
Bà Lê Thị Minh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho rằng, kim ngạch xuất khẩu rất lớn, tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh đóng góp cho thu nhập quốc gia, thì những nhóm hàng nặng ở gia công, lắp ráp… chúng ta sẽ chỉ được hưởng ở phần mà chúng ta gia công, lắp ráp.
“Đầu vào gần như đến từ nhập khẩu, cho nên chỉ là tạo công ăn việc làm cho khối lắp ráp còn việc tạo công ăn việc làm cho toàn bộ sản phẩm mà đáng lẽ ra đưa vào làm nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm đó thì chúng ta chưa được hưởng” – bà Thủy nói.
Có thể thấy, xuất khẩu điện thoại, linh kiện chủ yếu tập trung ở Tập đoàn Sam Sung tại Việt Nam, với 6 tỷ USD trong năm 2011; 12,6 tỷ USD trong năm 2012. Quý I/2013, với sự đóng góp của Sam Sung Việt Nam, lần đầu tiên mặt hàng điện thoại và linh kiện đã vươn lên thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam với tổng kim ngạch gần 4,5 tỷ USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, tổ hợp dự án với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD của Sam Sung tại Thái Nguyên dự báo sẽ đem lại giá trị xuất khẩu 20 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, những con số xuất khẩu ấn tượng của Sam Sung sẽ là quý giá nếu như Tập đoàn này không nhập toàn bộ linh kiện từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: “Chúng ta không nhất thiết phải xuất khẩu nhiều vì không phải cứ xuất khẩu với khối lượng lớn là thành công. Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị gia tăng ít, thu thuế hiệu quả thấp là không nên. Điều quan trọng là sản phẩm phải có hàm lượng công nghệ cao, phải tạo ra giá trị gia tăng lớn và tham gia vào chuỗi giá trị lớn”.
Các dự án công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua như Intel, Foxcon… cũng nhập khẩu hầu hết linh kiện từ nước ngoài, sau khi lắp ráp, lại xuất khẩu gần như 100%. Vì vậy, cho dù đây là các dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng gần như không có, không giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa sang các doanh nghiệp trong nước.
Giá trị gia tăng thu về thấp, một phần do các doanh nghiệp FDI thường lựa chọn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thị trường lao động với mức lương trả cho người lao động thấp hơn so với các nước phát triển và các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Tuy nhiên, ông Kyshiro Ichikawa - Trưởng nhóm nghiên cứu công nghiệp phụ trợ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, công nghiệp phụ trợ yếu kém, tỉ lệ nội địa hóa thấp mới là nguyên nhân chính, khiến Việt Nam ít có cơ hội tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam trung bình chỉ đạt 22,4%; còn thấp so với các nước khác trong khu vực.
“Để phát triển kinh tế, công nghiệp phụ trợ có vai trò quan trọng. Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển. Thời gian tới, Việt Nam cần có nhiều cải thiện về chính sách. Ví dụ cần làm rõ ngành phụ trợ phát triển sản phẩm nào, cũng như Chính phủ cần có chính sách cụ thể để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như yêu cầu ngày càng khắt khe của nhà đầu tư nước ngoài” - ông Kyshiro Ichikawa phân tích.
Tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu dựa vào thành tích của các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục bị đẩy lùi. Điều này vừa cho thấy những khó khăn gay gắt mà các doanh nghiệp trong nước gặp phải, vừa thách thức tính bền vững trong lĩnh vực xuất khẩu của nước ta.
Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới chúng ta cần phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, tập trung nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, thay thế dần hàng nhập khẩu; nâng dần vị thế các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ trong nước để trở thành nhà cung ứng linh kiện cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam./.