Doanh nghiệp “gồng mình” đối phó nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu
VOV.VN - Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn.
Để đối phó, các doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp: một mặt nhờ các cơ quan chức năng xử lý, mặt khác họ tự mình tìm cách cứu thương hiệu của mình thoát khỏi ma trận của hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, dường như các giải pháp chống lại vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng lậu vẫn chưa đạt hiệu quả.
Hơn 50 năm trong ngành da giày, các thương hiệu của công ty Cổ phần Giày Việt đã được nhiều người trong cả nước biết đến, như: Vũ Chầm, Vina Giày, Giầy Việt, Vinagico. Thế nhưng, ông chủ của các thương hiệu này không ngờ rằng nhiều năm nay thương hiệu giày của ông đã bị nhiều kẻ làm giả, làm nhái rồi đưa đi tiêu thụ ở những vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh, thành trong cả nước. Người dân mua phải giày giả nhãn hiệu Giày Việt nhưng không hề biết, đến khi sử dụng thấy chất lượng kém quá, phản ánh đến công ty thì mới biết đó là hàng dỏm.
Ông Vũ Chầm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giày Việt cho rằng: nguyên nhân của hàng giả hàng nhái tràn lan ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa là do hàng chính hãng vắng mặt trên các mặt trận đó.
Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu làm nhiều doanh nghiệp lao đao |
Không chỉ có doanh nghiệp có thâm niên bị làm giả, làm nhái, mà ngay cả những doanh nghiệp mới đưa hàng ra thị trường hay sơ hở chưa kịp đăng ký bảo hộ, bản quyền lập tức bị ăn cắp, bị nhái. Điển hình như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại Dịch vụ Điển tử Minh Tâm ở Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh chuyên phân phối lắp đặt hệ thống âm thanh, hình ảnh.
5 năm nay, công ty mệt mỏi vì phải chống lại tình trạng sản phẩm vừa tung ra thị trường đã bị làm nhái, làm giả. Để tự bảo vệ mình, công ty đã sử dụng các giải pháp như: dùng tem chống giả, phát tờ rơi, truyền thông trên wesite về vấn đề hàng giả, hàng nhái và hàng thật, đồng thời cho nhân viên đi từng cửa hàng để kiểm tra và giới thiệu cho khách hàng nhận biết rõ hàng của công ty, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, để xử lý hàng nhái và hàng kém chất lượng lại là điều hết sức khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc điều hành công ty cho biết, hiện tại các cơ quan chức năng mới vào cuộc ở góc độ hàng lậu, hàng không chứng. Còn xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ đó là một công tác khó khăn và nhiêu khê.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng cung ứng Công ty Trách nhiễm hữu hạn thương mại Mỹ phẩm Etude Hous Việt Nam rất bức xúc khi nói về tình trạng hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm hiện nay. Bà Hạnh cho biết: sản phẩm công ty bà đã được nhượng quyền thương hiệu của công ty Hàn Quốc và đã đăng ký sở hữu cho thương hiệu này cùng với các biện pháp bảo vệ khác, như: tư vấn tiêu dùng, sử dụng cả tem chống hàng giả, thế nhưng hàng giả, hàng nhái mỹ phẩm Etude Hous vẫn tràn lan trên thị trường.
Qua nhiều vụ việc được doanh nghiệp phản ánh, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, song không phải vụ việc nào cũng được xử lý thỏa đáng do gặp nhiều khó khăn về pháp lý lẫn chứng cứ. Chính vì thế mà nạn hàng giả, hàng lậu, hàng nhái không giảm mà ngày càng gia tăng với các thủ đoạn rất tinh vi, khó phát hiện
Theo thống kê, trong 9 tháng qua, cả nước có gần 150.000 vụ việc bị phát hiện liên quan đến hàng giả, hàng lậu (tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước). Các cơ quan chức năng đã xử phạt và xử lý hàng hóa trên 8.700 tỷ đồng.
Hàng giả, nhái “đánh” cả doanh nghiệp và người dân
Riêng thành phố Hồ Chí Minh có tới hơn 9.000 vụ vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm và xử lý hàng hóa gần 78 tỷ đồng. Nạn hàng giả, hàng lậu và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao. Đã có doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản vì không chống chọi được với hàng giả, hàng nhái.
Đề cập đến giải pháp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn Phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia phân tích: “Hiện nay, khung hình phạt xử lý hàng giả, hàng lậu còn quá yếu, quá thấp; mức xử phạt như thế không đủ sức răn đe nghiêm trị đối tượng. Vì vậy phải nâng mức xử phạt, đồng thời phải coi những tội làm hàng giả ảnh hưởng tính mạng sức khỏe con người vào tội phạm nghiêm trọng. Có như thế mới đủ sức răn đe.”
Theo ông Hùng, cùng với chế tài xử phạt nghiêm và sự tham gia phối hợp của quần chúng, lực lượng chống hàng giả, hàng lậu phải là có người có tâm, có tầm, có trách nhiệm với cộng đồng. “Làm sao trong cuộc chiến “đạn bọc đường” này không được tiêu cực, không được tiếp tay, bảo kê che chắn cho tội phạm thì mới thành công”, ông Hùng nói./.