Doanh nghiệp – “Hạt nhân” trong phát triển nông nghiệp
VOV.VN - Nông nghiệp Việt Nam cần dựa chủ yếu vào doanh nghiệp tư nhân để phát triển, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất…
Nông dân Việt rất nhỏ, siêu nhỏ
Phát biểu tại Hội thảo chuyên đề Nông nghiệp sáng nay (2/5) trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, ông Cao Đức Phát - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) khẳng định: Muốn phát triển mạnh, nông nghiệp Việt Nam cần dựa chủ yếu vào doanh nghiệp tư nhân.
Các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng “hiến kế” để phát triển nông nghiệp Việt Nam. |
Ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, nông nghiệp cần dựa vào các “hạt nhân” là doanh nghiệp. Song, hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất “mỏng". Trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Việt Nam hiện có 10 triệu hộ nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới. “Ở Mỹ, một hộ có 500.000 ha chỉ 2 vợ chồng làm. Còn ở Thái Bình, khoảng 2.000 - 3.000 m2 cho một hộ gia đình. Muốn phát triển nền nông nghiệp vững mạnh có khả năng cạnh tranh cao trong giai đoạn mới thì không chỉ phát huy vai trò kinh tế hộ như đã làm thời gian qua, mà cần phát triển vai trò hạt nhân là các doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân", ông Cao Đức Phát nêu rõ.
Cần liên kết doanh nghiệp với hộ sản xuất
Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay, có ba hình thức liên kết của doanh nghiệp với hộ sản xuất, trong đó mô hình liên kết phổ biến nhất là thông qua hợp đồng thu mua nông sản.
Thực tế, các hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn bán qua hệ thống thương lái, chỉ một phần nhỏ có liên kết với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng cung cấp đầu vào. "Việc xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn đã hình thành những vùng sản xuất tập trung, từ đó ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra nông sản với khối lượng lớn và chất lượng đảm bảo, nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ sản phẩm”, ông Doanh nói.
Một hình thức liên kết nữa là hộ nông dân hợp đồng gia công cho doanh nghiệp (chủ yếu phổ biến trong chăn nuôi, nhất là trong nuôi lợn, gà). Đây là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ được thực hiện giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là loại hình hộ nông dân góp vốn, đất và làm thuê cho doanh nghiệp. Đây là hình thức khá tiên tiến và có một số doanh nghiệp trong ngành mía đường, cao su đang áp dụng. Các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi liên kết khép kín theo cách thuê/mua đất của nông dân và sau đó thuê chính người đã bán/cho thuê đất làm việc theo quy trình và tiêu thụ trực tiếp trong các chuỗi cửa hàng, siêu thị của các doanh nghiệp này.
Nhiều doanh nghiệp mạnh tay đầu tư cho công nghệ cao để phát triển nông nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Xuân Thân/VOV) |
Nông nghiệp, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa, hướng tới phát triển theo hướng hiện đại, bền vững và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất và chất lượng, phát triển sản phẩm có lợi thế; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khan, thách thức như chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn sản phẩm thấp nên năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp hạn chế, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định...
Trong 10 năm (2008 - 2017) tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,66% mỗi năm, năm 2018 đạt khoảng 3,76%; quy mô GDP của ngành năm 2017 gấp 1,25 lần năm 2008. Thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu chuyển mạnh sang chính ngạch và hiện nông sản Việt Nam đã có mặt trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm; năm 2018 đạt mức cao kỷ lục hơn 40 tỷ USD, tăng 23,55 tỷ USD so với năm 2008; đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới, tăng bình quân 9,24%/năm. Trong đó, 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, với 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD./.