Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn “khát” vốn
VOV.VN - Bên cạnh ý tưởng, mô hình kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nhiều điều kiện quan trọng về nhân sự, chiến lược và về vốn.
Hiện nay, môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam khá thuận lợi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng nhiều, là những điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành. Trước đây, ý tưởng về một sản phẩm mới, một loại hình kinh doanh tốt là điểm mấu chốt để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công.
Doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn “khát” vốn để phát triển (Ảnh minh họa: KT |
Hiện nay, tình hình đã khác, doanh nghiệp khởi nghiệp cần có nhiều điều kiện quan trọng hơn về nhân sự, chiến lược sản xuất kinh doanh và về vốn. Trên thực tế, yếu tố vốn đang mang tính quyết định và phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang tìm vốn, khát vốn, lo lắng về vốn.
Anh Nguyễn Sắc Phong, Giám đốc dự án của Công ty cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Nông Trang Xanh ở Quận 8, TP.HCM cho biết, công ty của anh và các đồng nghiệp bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch từ tháng 10/2016.
Đến nay, một số sản phẩm, dịch vụ với quy mô nhỏ đã được thị trường đón nhận. Muốn mở rộng quy mô như dự tính ban đầu khởi nghiệp, anh Phong tìm kiếm nguồn vốn từ nhiều nơi, nhưng đều thất bại. Cơ sở ban đầu của khởi nghiệp mà anh Phong có là ý tưởng và kiến thức về nông nghiệp sạch có thể không được phát triển nếu thiếu vốn
Cũng như vậy, anh Vũ Thiên Hoàng (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Vũ, quận Tân Bình, TPHCM) khởi nghiệp bằng ý tưởng kinh doanh và kiến thức về thị trường mỹ phẩm, thực phẩm nhập ngoại. Nhưng tìm nguồn vốn không được. Anh Hoàng đã phải kinh doanh nhỏ lẻ bằng vài chục triệu đồng của bạn bè, người thân góp lại. Anh cứ lấy lãi góp vào vốn cho đến khi thành lập được doanh nghiệp, tìm được nhà cung cấp uy tín thì mới có thể tin là mình khởi nghiệp tương đối thành công.
Với anh Hoàng, vốn trở thành yếu tố tiên quyết."Vốn là điều trăn trở nhất khi bắt đầu khởi nghiệp. Nếu không có vốn, không cầm đồng tiền trong tay thì mọi ý tưởng đều trở thành bế tắc. Mình huy động vốn từ người thân, nhưng rất ít ỏi nên phải cố gắng tìm tòi những dự án cho số lượng vốn ít đó và có mục tiêu rõ ràng trong sử dụng đồng vốn", anh Hoàng chia sẻ.
Trên thực tế, doanh nghiệp khởi nghiệp thường chỉ có kiến thức chuyên sâu về dự án, sản phẩm, lĩnh vực định sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu kỹ năng kêu gọi đầu tư, thiếu kiến thức ở nhiều lĩnh vực liên quan như tài chính, quản trị…
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp khi đi gọi vốn thường dễ dàng bỏ cuộc sau khi thuyết phục lần thứ nhất, thứ hai không thành công từ các quỹ đầu tư. Còn các ngân hàng thì phần lớn thường yêu cầu nhiều điều kiện vay vốn mà doanh nghiệp khởi nghiệp khó đáp ứng.
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín- Sacombank thừa nhận, tính đến thời điểm này, ngân hàng vẫn đang xây dựng quy chế riêng và sản phẩm đặc trưng cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp. Doanh nghiệp khởi nghiệp chưa tiếp cận được vốn vì thiếu kỹ năng
Theo một số chuyên gia kinh tế, vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn có thể tìm từ các ngân hàng, các quỹ đầu tư. Vấn đề là phải có kiến thức và kỹ năng gọi vốn từ các ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ. Có rất nhiều nhà đầu tư, quỹ đầu tư tư nhân để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể gõ cửa, một số đơn vị sẵn sàng bỏ tiền đầu tư cho những dự án có tiềm năng phát triển và thành công.
Ông Hồ Trọng Lai, phụ trách khu vực châu Á của công ty tư vấn Waterstone Capital Partners LLC (Mỹ) cho rằng: doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gọi vốn thì phải có một bản giới thiệu đề án thuyết phục với đề nghị cụ thể về vốn, thể hiện sự chuẩn bị về nhân sự, phương án sử dụng vốn và thu hồi vốn cùng quyết tâm thực hiện.
Có thể nói, hiện nay, cơ chế chính sách về thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đang thuận lợi. Vấn đề còn lại là vốn, đã đến lúc các ngân hàng thương mại nên có nguồn vốn cho đối tượng là các doanh nghiệp khởi nghiệp với những tiêu chí cho vay phù hợp.
Quỹ Hỗ trợ doanh khởi nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý đã được thành lập với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng cần đưa đến đúng đối tượng và xác định rõ phía chủ doanh nghiệp sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm còn lại bao nhiêu phần trăm hỗ trợ từ quỹ…
Doanh nghiệp cũng chủ động hơn trong tìm đến các quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm. Có như vậy “cơn khát vốn” của doanh nghiệp khởi nghiệp mới từng bước được giải quyết./. Không để doanh nghiệp khởi nghiệp tự “bơi một mình”