Doanh nghiệp kỳ vọng "thoát hiểm", bứt tốc sau Covid-19 nhờ chuyển đổi số
VOV.VN - Chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội "lột xác" cho các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp họ "thoát hiểm" và bứt tốc sau đại dịch Covid-19.
Covid-19 đã tạo ra bước ngoặt lớn, thay đổi tư duy của doanh nghiệp (DN) đòi hỏi các DN phải chủ động tìm kiếm các giải pháp trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thích ứng nhanh với nền kinh tế số.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp & Chuyển đổi số Việt Nam 2020, bà Dương Thanh Tâm, chuyên gia quản trị chiến lược VinCommerce, cho biết, với ngành bán lẻ, chuyển đổi số là yêu cầu hiện hữu. Hiện nay, khi nhiều cửa hàng đồng loạt khuyến mãi giảm giá, người mua gần như không dựa nhiều về giá sản phẩm mà quan trọng là chính sách bán hàng như thái độ phục vụ, tích điểm trên app...
Theo bà Tâm, từ các chuỗi bán lẻ hàng thiết yếu, cửa hàng tiện ích thời trang đến rất nhiều ngành nghề khác, cần phải biết được sự vượt trội của sản phẩm ở đâu để có chính sách bán hàng cạnh tranh dựa trên hai yếu tố: sự tiện ích, trải nghiệm khách hàng trong mua sắm. Doanh nghiệp phải xác định khách hàng ở đâu, cần sản phẩm gì thì sẽ tiếp cận ở đó.
Bàn về chuyển đổi số bắt đầu từ đâu và thế nào, bà Dương Thanh Tâm cho rằng, đầu tiên là mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh phải được xác lập lại. Trước đây tương tác vật lý, bán lẻ có các cửa hàng, các tiệm, mở ở phố, trung tâm thương mại, chân dung khách hàng đã theo nhiều năm, nhưng khi chuyển đổi số phải thay đổi mô hình kinh doanh.
Chuyển đổi số không phải là xu hướng theo "trend".... mà phải đầu tư dài hơi cho hệ thống quản trị chuỗi cung ứng và logistics, bà Tâm nêu quan điểm.
Theo ông Dwayne Ong, chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Qnet, chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh. Một lãnh đạo không phải là một chuyên gia CNTT vẫn có thể dẫn dắt được quá trình chuyển đổi này thành công nếu họ có trong tay chiếc chìa khóa với khả năng bao quát cùng kỹ năng quản trị kinh doanh sắc bén. Khi ấy họ sẽ có thể có được một chiến lược số khai thác hiệu quả các công cụ công nghệ, thực hiện chuyển đổi và tạo lập được mô hình kinh doanh mới bền vững.
Ông Dwayne Ong cho rằng, hướng đầu tư khôn ngoan và tối ưu cho chuyển đổi số chính là việc đầu tư vào con người. Các tổ chức nên bắt đầu bằng một kế hoạch đào tạo thấu đáo và toàn diện cho các cấp lãnh đạo và các nhân sự chủ chốt của mình về tư duy lãnh đạo số, các kỹ năng quản trị kinh doanh số cùng kiến thức và hiểu biết về cách các công nghệ 4.0 vận hành và những lợi ích mang lại trong bối cảnh nền kinh tế số. Một bước chuẩn bị quan trọng nữa đó là việc các tổ chức doanh nghiệp cần lùi lại một bước để tìm hiểu và xem xét tệp khách hàng cốt lõi, áp dụng một tư duy cởi mở để tìm ra vấn đề của khách hàng và lắng nghe phản hồi của khách hàng.
Khi nói về chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, đưa ra 3 chữ H, đó là Heart (trái tim), Head (cái đầu), Hand (bàn tay). Phải cùng chung tay, phải đi đầu và phải bắt tay vào làm. Trong đó, ông Bình cũng nhấn mạnh đến yếu tố con người, cần phải đào tạo con người bởi đó là cốt lõi của sự phát triển.
Chuyên gia công nghệ thông tin Tuan Anh Hoang thuộc Consult Indochina chia sẻ: Trăn trở lớn nhất của những công ty hoạt động trong linh vực chuyển đổi số là mặc dù chuyển đổi số đang là xu hướng phát triển mà Việt Nam đang theo đuổi nhưng hiện đang có rất ít doanh nghiệp đủ năng lực để áp dụng được, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuan Anh Hoang cho rằng, đối mặt với sự chuyển mình của kỷ nguyên số, bắt buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh để không phải là "kẻ bị bỏ lại phía sau". Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng chuyển đổi số chỉ đơn thuẩn là số hóa hồ sơ, giấy tờ lên nền tảng ứng dụng trên internet. Nhưng chuyển đổi số là cả một quá trình áp dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết các vấn đề của xã hội, trong chính cuộc sống hàng ngày dựa trên nền tảng số hóa dữ liệu, thông tin ở các ngành nghề khác nhau.
"Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều chi phí và thời gian cho các giải pháp số hóa; đòi hỏi người lãnh đạo phải có thêm nhiều kỹ năng về quản lý, kỹ thuật để vận hành và thích nghi với thị trường. Đó chính là lý do vì sao chuyển đổi số đang được triển khai tại Việt Nam nhưng hơn 90% doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số và chưa tạo được bước tiến vượt bậc", chuyên gia này nhận định./.