Doanh nghiệp lấn rạch làm dự án, Bình Dương nói có, Đồng Nai bảo không
VOV.VN - Thời gian qua, người dân sống gần rạch Bà Lồ, đoạn qua địa bàn phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương phản ánh về việc thường xuyên bị ngập úng, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.
Qua khảo sát của các cấp chính quyền Bình Dương, nguyên nhân do phía tỉnh Đồng Nai có doanh nghiệp gia cố, san lấp rạch làm dự án dẫn đến dòng chảy của rạch bị thay đổi. Bình Dương đã có kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường xem xét, giải quyết tình trạng trên.
Nhiều nhà dân bị sụt lún
Đã 4 tháng trôi qua nhưng ông Lê Văn Thành, ngụ ở Tổ 1, Khu phố Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương vẫn không quên được cảnh gian bếp của gia đình bị trôi thẳng ra rạch Bà Lồ. Rất may thời điểm xảy ra sự cố, gia đình ở trên phòng khách nên không có ai thương vong. Ông Thành cho biết, gia đình sinh sống ở đây từ năm 1960, những năm trước khu vực này cũng có sạt lở nhưng nhẹ. Hai năm nay, tình trạng sụt lún diễn ra liên tục.
“Trước khi nhà bị sập thấy có dấu hiệu báo trước là đất nứt nên gia đình cũng đã cảnh giác nhưng ai ngờ tối hôm đó nó đổ ầm xuống. Sạt lần này lấn vô 3-4m chứ lúc trước bờ rạch còn nằm ở ngoài xa”, ông Thành cho biết.
Ở cách xa bờ rạch Bà Lồ nhưng nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Chi cũng bị sụt lún, tường nứt toạc. Bà Chi than thở, ông bà đau ốm suốt, vợ chồng con trai làm công nhân, lương chỉ đủ lo cho sinh hoạt của gia đình và học tập cho đứa cháu nhỏ. Nhà hư hỏng nhưng không có điều kiện sửa chữa, trong khi nước ngoài rạch cứ mỗi ngày một dâng cao.
“Lúc trước nước lên lấp sấp khu vực ngoài sau hè nhưng lúc này nước ngập dữ. Nước vô thì nhà bị lún, bị ảnh hưởng móng nhà, nứt nên sợ sập, ngã đổ vì nhà cấp 4”, bà Chi nói.
Rạch Bà Lồ bị "biến dạng"
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Dương, nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún là do bờ rạch Bà Lồ nằm ở địa phận tỉnh Đồng Nai bị bồi lắng, dẫn đến thay đổi dòng gây chảy xói về vị trí bờ rạch thuộc khu vực Tổ 1, khu phố Ngãi Thắng. Qua khảo sát thực tế và đối chiếu hình ảnh vệ tinh năm 2016 và năm 2021, UBND thành phố Dĩ An xác định, rạch Bà Lồ đã bị nắn, thu nhỏ. Thời điểm năm 2017, khi hai tỉnh ký kết hiệp thương, tại đây không có tình trạng tranh chấp hoặc chồng lấn. Tuy nhiên, năm 2020, 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Tín Nghĩa Á Châu (ở tỉnh Đồng Nai) tự ý san lấp đất, lấn rạch Bà Lồ, xây dựng bờ kè để làm dự án khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn thì dòng chảy cũng bỗng dưng thay đổi. Theo ngành chức năng tỉnh Bình Dương, khu vực kè lấn rạch Bà Lồ lên đến 40m. Chính điều này làm cho đường địa giới hành chính giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai có đoạn chỉ còn 17m, đoạn thì 29m, không còn đúng với mô tả tuyến địa giới hành chính giữa 2 tỉnh.
Ông Võ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An khẳng định, việc chủ đầu tư lấn rạch thi công dự án khu dân cư bên phía Đồng Nai đã làm thay đổi dòng chảy về phía Dĩ An gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, bờ rạch: “Trên thực tế cách đây vài tháng đã xảy ra tình trạng sạt lở, chính quyền địa phương bỏ ra số tiền hơn 2 tỷ để kiên cố hóa lại, kè lại. Chính vì vậy, UBND thành phố Dĩ An cũng kịp thời báo cáo UBND tỉnh Bình Dương làm việc với tỉnh Đồng Nai để xử lí vấn đề này, không còn để xảy ra tình trạng lấn rạch làm thay đổi dòng chảy, nguy cơ gây sạt lở cao”.
Trước sự việc này, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai xem xét. Tuy nhiên phía tỉnh Đồng Nai có văn bản trả lời rằng: “Kết quả đo đạc tại thực địa, chồng ghép các loại tài liệu khu vực Dự án khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn cho thấy, bờ kè và tường rào được xây dựng thực tế ngoài thực địa nằm trong ranh giới được giao đất thực hiện dự án và nằm trong phần địa giới hành chính tỉnh Đồng Nai”.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên-Môi trường giải quyết việc san lấp mặt bằng đoạn rạch Bà Lồ của Dự án khu dân cư, dịch vụ và du lịch Cù lao Tân Vạn tại phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai dẫn đến hiện tượng sạt lở bờ bên phía tỉnh Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm giải quyết để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước của rạch, sự an toàn của của các hộ dân trong khu vực./.