Doanh nghiệp lỗ nặng khi định giá đất không tính đủ chi phí
VOV.VN - Hàng trăm dự án tại TP.HCM ách tắc do vướng về xác định giá đất. Đây là nhận định của đại biểu tại Hội thảo "Định giá đất đúng và đủ" do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (14/6).
Doanh nghiệp đau đầu vì định giá đất
Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng Giám đốc Kim Oanh Group cho biết: Doanh nghiệp mua trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở hơn 23 ha một dự án đã phê duyệt quy hoạch. Sau đó, Nhà nước có quy hoạch một số hạ tầng đi qua dự án khiến doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh quy hoạch dự án.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cho biết, diện tích đất ở của dự án thuộc quy hoạch cũ khi chuyển sang quy hoạch mới mà là loại đất khác thì không được tính cấn trừ, trong khi đó các loại đất khác theo quy hoạch cũ chuyển sang đất ở theo quy hoạch mới phải đóng tiền bổ sung.
Trước nguy cơ lỗ nặng khi tính giá đất theo phương án không được tính cấn trừ và phải đóng tiền bổ sung, bà Đặng Thị Kim Oanh kiến nghị: "Có thể ghi nhận thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra, một là tính theo chí phí doanh nghiệp đã bỏ ra, hai là tính sao cho phù hợp cho doanh nghiệp. Khi đó doanh nghiệp mới dám mạnh dạn thực hiện dự án".
Theo ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, hiện nay chủ trương của Trung ương, Chính phủ là giảm giá nhà để nhiều người dân có cơ hội tiếp cận được nhà ở vừa túi tiền. Tuy nhiên, tiền sử dụng đất chiếm cấu phần rất đáng kể trong bảng kê giá đầu vào để xây dựng giá thành bất động sản.
Các doanh nghiệp bất động sản rất mong muốn chính sách tính tiền sử dụng đất cần có sự gia giảm hợp lý, hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp: "Chúng tôi mong muốn tính tiền sử dụng đất đúng, đủ, phù hợp, hài hòa, linh hoạt, để giúp chúng tôi có tiền sử dụng đất phải đóng phù hợp. Chúng ta không đưa ra câu chuyện tận thu cho Nhà nước hay doanh nghiệp, mà là hài hòa quyền lợi chung của các chủ thể".
Đơn vị tư vấn giá đất bỏ cuộc
Ông Nguyễn Như Bình - Trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng: TP.HCM có hàng trăm dự án ách tắc do vướng xác định giá đất. Đáng chú ý, có 125 dự án đang chào thầu, có dự án chào không dưới 30 lần vẫn không thuê được tư vấn, có dự án đã thuê đơn vị tư vấn nhưng tư vấn đành bỏ cuộc.
Theo ông Bình, vướng mắc về tiền sử dụng đất không chỉ liên quan ngành tài nguyên môi trường mà liên quan nhiều luật, nhiều bộ ngành. Do đó, cần có sự vào cuộc tổng thể: "Nếu mổ xẻ ra thì liên quan đến rất nhiều luật, liên quan đến nhiều bộ ngành khác. Cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành, muốn khắc phục những khiếm khuyết thì phải nghiên cứu và đưa vào các luật".
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu đề nghị bổ sung thêm trong quy định các phương pháp định giá đất có chi phí dự phòng trong hai trường hợp: dự phòng khi khối lượng phát sinh và dự phòng cho trượt giá. Như vậy thì nghị định về giá đất mới đầy đủ, sát với thực tế.