Doanh nghiệp mất tiền tỷ khi giao dịch với đối tác Nigeria

VOV.VN - Các DN cần thông tin đối tác cho Thương vụ trước khi ký hợp đồng với đối tác tại Nigeria hay châu Phi, tránh để xảy ra tranh chấp và thiệt hại.

Thương vụ Việt Nam tại Nigeria mới lên tiếng cảnh báo về đối tác nước ngoài thời gian qua đã có hành vi kinh doanh xấu, gây thiệt hại cho các DN xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, Công ty TNHH H.T.N Việt Nam ký kết 2 hợp đồng nhập khẩu gỗ xẻ dạng hộp với đối tác xuất khẩu là Công ty ROSOHAN Nigeria. Hợp đồng thứ nhất, ký ngày 7/4/2017, với số lượng nhập khẩu 5 containers gỗ Pachylova xẻ dạng hộp, tổng trị giá là 69.350 USD; Hợp đồng thứ hai, ký ngày 12/5/2017 với số lượng 10 container 20’FCL gỗ Pachylova xẻ dạng hộp có tổng trị giá là 142.500 USD.

Đối tượng kinh doanh xấu Joseph Jegede, Giám đốc, ROSOHAN SYSTEM NIGERIA LIMITED (BLACKLIST).

Ngày 10/4/2017 Công ty H.T.N Việt Nam đã chuyển khoản từ Ngân hàng CP Techcombank Việt Nam cho Công ty ROSOHAN Nigeria, thông qua ngân hàng Diamond Bank PLC, Lagos, Nigeria số tiền đặt cọc 34.675 USD (tương đương 50% giá trị của hợp đồng thứ nhất). Ngày 1/6/2017 Công ty H.T.N Việt Nam chuyển tiếp cho đối tác số tiền 34.675 USD (tương đương 24,33% giá trị hợp đồng thứ hai). Tổng cộng số tiền đặt cọc 2 hợp đồng là 69.350 USD.

Cho đến nay đã 3 năm, mặc dù Công ty H.T.N Việt Nam nhiều lần yêu cầu, nhưng đối tượng Joseph Jegede, Giám đốc Công ty ROSOHAN NIGERIA viện dẫn nhiều lý do không chính đáng, không thực hiện hợp đồng, không trả lại số tiền đặt cọc.

Ngày 22/3/2020, Văn phòng Luật sư Synergy Law Partners, Nigeria”, đại diện của công ty ROSOHAN, gửi công văn cho công ty H.T.N Việt Nam, thông qua Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, viện dẫn lý do: “Chính phủ Cameroon cấm xuất khẩu gỗ tròn, coi đó là trường hợp bất khả kháng để không giao hàng”, nhưng không đưa ra số văn bản, ngày tháng của văn bản nên không có cơ sở.

Mặt khác, Công ty H.T.N Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu từ công ty ROSOHAN NIGERIA, đối tượng là gỗ xẻ dạng hộp, không phải gỗ tròn. Do đó việc Chính phủ Cameroon cấm xuất khẩu gỗ tròn, không làm ảnh hưởng đến việc mua bán của hai bên.

Trong trường hợp không giao được hàng, công ty ROSOHAN NIGERIA phải hoàn trả lại tiền đặt cọc cho công ty H.T.N. Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng Joseph Jegede, Giám đốc công ty ROSOHAN NIGERIA, đã chiếm đoạt số tiền của công ty H.T.N Việt Nam tổng cộng 85.994 USD, bao gồm 69.350 USD đặt cọc, và 16.664 USD tiền lãi ngân hàng (8%/năm x 3 năm).

Trong khi chờ làm thủ tục khởi kiện công ty ROSOHAN NIGERIA, ngày 24/4/2020, Công ty H.T.N Việt Nam gửi công văn cho Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, đề nghị đăng thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước tuyệt đối không giao dịch với đối tác này, tránh bị chiếm đoạt tiền.

Thông qua trường hợp của Công ty TNHH H.T.N. Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cảnh báo các DN trong nước khi giao dịch với các đối tác tại Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung. Các DN cần thông tin đối tác cho Thương vụ trước khi ký hợp đồng, tránh trường hợp xảy ra tranh chấp mới thông báo như vụ việc kể trên.

Mặc dù thẩm định doanh nghiệp thuộc các nước Tây Phi có thật, tuy nhiên các doanh nghiệp này vẫn có thể lừa đảo. Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán “Thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay (Irrevocable L/C, At sight).

Đồng thời, không dùng các hình thức thanh toán chuyển tiền đặt cọc bằng điện (T/T), 30% hoặc 50% trả trước dẫn đến có thể bị mất tiền như thương vụ nêu trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên