Doanh nghiệp mía đường khó thật hay khó giả?

Bất ổn trong tiêu thụ đường chỉ là một trong những dẫn chứng cụ thể cho việc thiếu cân đối cung –cầu, sản xuất không bền vững và chưa có chiến lược phù hợp.

Việc Bộ Công thương cấp quo-ta cho nhập khẩu 250.000 tấn đường đã khiến các doanh nghiệp mía đường phản ứng gay gắt. Theo Hiệp hội Mía đường, điều này đã khiến cán cân cung –cầu trong nước vốn dĩ không cân đối, lại càng lệch hơn, kéo theo giá mía sụt giảm nhanh chóng và doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thua lỗ. Thực hư chuyện doanh nghiệp mía đường khó thật hay khó giả?

Có lẽ dư luận còn nhớ chuyện người tiêu dùng phải xếp hàng mua đường với giá cao ngất 27.000đ/kg vào thời điểm cuối năm ngoái. Rồi chuyện giữa năm 2010, TP HCM gọi điện xin khẩn cấp tìm nguồn cung cấp 10.000 tấn đường để giải quyết cấp tốc tình trạng người dân xếp hàng nửa cây số không mua được đường. Khi ấy, Bộ Công thương đã có công văn gửi Hiệp hội mía đường, đề nghị cung cấp đường cho các nơi, nhưng đã không có phản hồi. Và như thế buộc Bộ Công thương phải trình Chính phủ xin cấp quota cho phép nhập khẩu 250.000 tấn đường nhằm “hạ nhiệt” cơn sốt trong nước.

Song điều đáng nói là, sau khi có thông tin nhập đường, lập tức giá đường trong nước xuống dốc không phanh và kỳ lạ, cứ thế từ đâu đó, đường tràn ngập thị trường. Lúc này mọi người mới tá hỏa: hóa ra không phải thiếu đường mà mấy “ông” nhà máy tìm cách “găm” hàng để tăng giá bán! Vậy là căng thẳng chỉ là do vấn đề…tâm lý.

Thực hư thiếu hay thừa đường đến giờ xem ra vẫn chưa ngã ngũ, song rõ ràng việc tiêu thụ đường hiện đang rất khó khăn; giá đường mua tại nhà máy giờ chỉ còn dao động từ 16-16.500 đ/kg (trong khi đầu vụ giá có lúc lên tới 22.000đ/kg) và việc tồn kho đường ở các kho không phải là không có.

Điều này đang khiến các doanh nghiệp mía đường dở khóc, dở mếu. Số liệu tồn kho của Hiệp hội mía đường đưa ra cho đến thời điểm này là 800.000 tấn đường, chênh lệch về con số tới gần 300.000 tấn so với thống kê của Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.  Song sự thể này, các doanh nghiệp mía đường cũng chẳng thể kêu ai. Theo lý giải của Bộ Công thương, việc nhập khẩu đường không hề làm ảnh hưởng tới giá đường trong nước, bởi theo số liệu hải quan, 4 tháng năm 2011 mới có hơn 53.000 tấn đường nhập nội, còn hơn 79% hạn ngạch chưa nhập về, chứng tỏ việc nhập khẩu đường đã được điều tiết, chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái.

Quay trở lại với việc liệu đường thiếu hay thừa? Xin được nói rằng, cho đến thời điểm này, những thông tin mang tính “minh bạch” cho thấy: năm 2011, sản lượng đường dự báo cao hơn trên dưới 100.000 tấn. Lượng tồn kho mà các doanh nghiệp kêu vẫn có thể điều tiết được trong vài tháng tới vì mía là nông sản thời vụ. Cao điểm từ nay đến tháng 10 vào vụ mới, lượng đường này vẫn tiếp tục được tiêu thụ trên thị trường, không thể nói là tồn kho.

Từ thực tế dao động chỉ từ đầu vụ mía sang cuối vụ mà đã xảy ra hàng loạt vấn đề về tiêu thụ đường càng cho thấy công tác điều tiết của chúng ta hoàn toàn bị động. Doanh nghiệp thiếu thành thực, quản lý nhà nước còn lỏng lẻo. Bất ổn trong tiêu thụ của mặt hàng đường chỉ là một trong những dẫn chứng cụ thể cho việc thiếu cân đối cung –cầu, sản xuất không bền vững và chưa có chiến lược phù hợp. Kinh nghiệm từ vụ mía này càng cho thấy, nếu có sự hợp tác tốt từ phía doanh nghiệp, Hiệp hội Mía đường với cơ quan quản lý nhà nước, thì rõ ràng thị trường ảo và những cơn trồi trụt về giá đã không xảy ra.

Vẫn biết với giá đường dẫu có tăng một vài ngàn đồng một kg thì với mức tiêu dùng khoảng 10 kg/người/năm; thì người dân có phải chi tiêu hơn một chút trong rổ hàng hóa tiêu dùng, vẫn có thể chấp nhận được. Song vấn đề quan trọng là phải tính toán được giá chuẩn để thu hút người trồng mía. Bài toán khống chế giá “trần” bán đường, và giá “sàn” mua mía cho dân, tưởng dễ dàng được giải quyết, song thực tế lại không hề đơn giản chút nào./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên