Doanh nghiệp muốn cạnh tranh chứ không cần bảo hộ

VOV.VN -Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cho biết, nhiều doanh nghiệp nội muốn cạnh tranh chứ không cần bảo hộ.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu 2015 do Bộ KH & Đầu tư và Euromoney phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 30/9, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn cạnh tranh bằng chính thế mạnh của mình, chứ không cần sự bảo hộ.”

Ông Hưng cho rằng, hiện tại Việt Nam đã hội tụ đầy đủ những điều mà 10 năm trước đã từng mơ, trong khi nhiều thị trường khác trong khu vực và thế giới không thuận lợi bằng Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Hưng (thứ 3 từ phải sang) và các diễn giả khác tại Diễn đàn Đầu tư Toàn cầu 2015.

Theo Chủ tịch SSI, Việt Nam có lợi thế như nền kinh tế ổn định, thu nhập bình quân đầu người đang ở mức 2.200 USD, và sức mua trên 5.000 USD/người. Do đó, các nhà sản xuất nước ngoài có thể kết hợp với doanh nghiệp trong nước để cung cấp cho thị trường Việt Nam.

Vị Chủ tịch này nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó có TPP, mở ra cho doanh nghiệp Việt Nam cơ hội mang sản phẩm của mình ra nước ngoài mà không cần bảo hộ. “Khi có dòng vốn vào chúng ta có thị trường, nhưng các doanh nghiệp trong nước phải có đủ khả năng để triển khai các dự án lớn”, ông Hưng nói.

Đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trước sức ép của dòng vốn nước ngoài, ông Hưng tỏ ra lạc quan khi cho biết, những doanh nghiệp ngày hôm nay lớn lên một phần nhờ nguồn vốn nước ngoài vào thị trường trong nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Việt Nam sẽ đi theo cơ chế thị trường hoàn chỉnh, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế quốc tế, chấp nhận mạo hiểm tham gia nhiều FTA song phương, đa phương.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết, các FTA song phương, đa phương là quyết định đúng đắn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông, doanh nghiệp cũng rất lo.

Dù được cho là sẽ hưởng lợi từ quá trình hội nhập, nhiều doanh nghiệp nội vẫn lo lắng về sức ép cạnh tranh với các đối thủ ngoại. (Ảnh minh họa: Internet).

Ông Vũ bày tỏ quan ngại FDI hiện nay rất tốt nhưng quá lớn, dẫn đến nguy cơ mất cơ hội phát triển của doanh nghiệp nội. “Nền kinh tế Việt Nam phải được phát triển bởi những tập đoàn của Việt Nam mới tự chủ,” ông Vũ nói.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam, ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, TPP và các FTA có xu hướng giảm các hàng rào thuế quan, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ đóng vai trò quan trọng, những lỗ hổng đặt ra khiến các nhà đầu tư phải có cái nhìn toàn cầu.

Doanh nghiệp trong nước không có lợi thế như nhà đầu tư nước ngoài, do vậy vấn đề là phải làm thế nào để cạnh tranh trong môi trường toàn cầu hoá, cho phép doanh nghiệp sáng tạo và phát triển, ông Eric Sidgwick nêu quan điểm.

Theo ông, TPP không chỉ dành cho Việt Nam mà dành cơ hội cho tất cả và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, có vẻ như doanh nghiệp trong nước phải chịu thiệt nếu như họ không tận dụng được các cơ hội từ việc mở rộng thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên