Doanh nghiệp rất cần tín dụng xanh để sản xuất xanh
VOV.VN - Doanh nghiệp rất cần tín dụng xanh để chuyển đổi sản xuất xanh. Đó là ý kiến của đại biểu tại hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon” do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức.
Phát hành trái phiếu xanh để cho doanh nghiệp vay lại
Hiện nay, do yêu cầu cấp thiết của thị trường, nhiều doanh nghiệp rất cần tín dụng xanh để chuyển đổi sản xuất xanh. Tuy nhiên, vấn đề làm như thế nào doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này, do khó khăn trong thẩm định, đánh giá quản lý rủi ro môi trường, thiếu thống nhất về danh mục và ngành xanh nên thiếu cơ sở, căn cứ để các ngân hàng thương mại thẩm định cho vay. Vì vậy, tổng nguồn vốn cho vay các dự án xanh của cả nước trong năm 2022 mới 500.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,2% trong tổng dư nợ kinh tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp sốt ruột việc triển khai tài chính xanh. Bởi giờ không “xanh” thì doanh nghiệp không xuất hàng đi đâu được. Doanh nghiệp mong được hướng dẫn, sớm có định chế để doanh nghiệp sớm thực hiện.
Vì để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp rất cần các chương trình tín dụng xanh nhưng khó tiếp cận do chưa có khung pháp lý đầy đủ. Còn để tự thân mỗi doanh nghiệp đứng ra phát hành trái phiếu xanh để huy động vốn là điều rất khó. Vì hiện nay, phần lớn doanh nghiệp của TP.HCM là nhỏ và vừa.
“Chúng tôi đề xuất các định chế tài chính, cơ quan chức năng chúng ta nên có cơ chế, giải pháp các đơn vị này có thể đứng ra phát hành trái phiếu xanh để cho doanh nghiệp vay lại theo những dự án, quá trình mà doanh nghiệp chuyển đổi” - ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất.
Về tín dụng xanh cho doanh nghiệp vay chuyển đổi sản xuất xanh, ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngoài việc tận dụng sự hỗ trợ các tổ chức tài chính quốc tế, HDBank còn bám sát chủ trương Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thực thi cam kết theo Thỏa thuận Paris, cũng như COP26. Riêng năm 2022, ngân hàng này đã cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp 11.000 tỷ đồng.
“HDBank tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện bộ chính sách tài chính xanh cho doanh nghiệp và cá nhân. Nó bao gồm trái phiếu xanh, gói cho vay xanh và các dịch vụ xanh liên quan trong bộ chính sách tài chính xanh” - ông Nguyễn Đăng Thanh nói.
Vận dụng Nghị quyết 98 để huy động trái phiếu xanh
TS. Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho rằng: TP.HCM có thể vận dụng các quy định của Nghị quyết 98 để huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh.
“TP.HCM có nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù thì TP những công trình xanh, phát triển bền vững thì cũng là đối tượng để phát hành trái phiếu xanh để hỗ trợ cho doanh nghiệp này. TP cũng có thể phát hành trái phiếu của chính quyền TP, trái phiếu xanh, đầu tư trực tiếp hoặc hỗ trợ 1 phần cho doanh nghiệp theo hình thức PPP” - TS. Trần Văn nói.
Về phía lãnh đạo Thành phố, phát biểu tại hội thảo, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp. TP xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh.
Một số trụ cột khác của khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của TPHCM là hạ tầng. Hiện năng lượng sạch chỉ chiếm 14%, đến năm 2030 cũng chỉ tối đa 30%. Và đi liền với những việc này, là khung pháp lý, phát triển hạ tầng, hệ thống chính sách.
“TP.HCM làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới TP.HCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hạ tầng thì chúng tôi rất tập trung cho chuyển đổi năng lượng” - ông Phan Văn Mãi nói.
Chuyển đổi xanh hiện nay là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để doanh nghiệp chuyển đổi xanh thì cần phải có nguồn tài chính dài hạn, lãi suất hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi này.