Doanh nghiệp tốn 1,5 tỷ đồng/tháng chi cho xét nghiệm Covid-19
VOV.VN - Thành phố Hà Nội đang thực hiện Chiến dịch xét nghiệm Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, việc cơ quan chức năng của Hà Nội không trả giấy chứng nhận kết quả sau khi xét nghiệm đã gây tốn kém cho người dân nếu công việc của họ cần phải có giấy chứng nhận âm tính.
Thành phố Hà Nội đang thần tốc thực hiện một Chiến dịch xét nghiệm Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay. Trong khi còn có ý kiến khác nhau về sự cần thiết của việc xét nghiệm toàn bộ người dân Thủ đô thì đã có những bất cập nảy sinh. Đó là sau khi người dân được lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng không trả kết quả nên khi cần giấy chứng nhận âm tính với Covid-19, người dân lại phải bỏ tiền ra xét nghiệm lại, gây lãng phí.
Từ tháng 7 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, theo quy định của nhiều tỉnh thành phố, các lái xe, shiper khi giao hàng thiết yếu từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành khác phải trình giấy xét nghiệm âm tính tại các chốt kiểm dịch. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, có tháng Công ty Cổ phần 247 hoạt động trên lĩnh vực vận tải, chuyển phát nhanh bị giảm doanh thu tới 80% nhưng vẫn phải chi trả tới gần 1,5 tỷ đồng chi phí xét nghiệm cho người lao động.
Từ ngày 9/9, tuân thủ chủ trương xét nghiệm tầm soát cộng đồng diện rộng của Thành phố Hà Nội, hàng trăm lái xe, shipper của công ty đã đến các địa điểm của phường sở tại để được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Tuy nhiên, cũng như những người dân khác trên địa bàn Thủ đô, các lái xe, shipper không được cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm. Anh Trần Trọng Đạt, Trưởng đơn vị vận hành Trung tâm khai thác miền Bắc, Công ty cổ phẩn 247 cho biết, ngay sau khi xét nghiệm cộng đồng xong, các lái xe, shipper của công ty lại phải bỏ tiền ra xét nghiệm thêm một lần nữa tại bệnh viện để có giấy chứng nhận cho đủ thủ tục thông hành trên đường.
“Chờ đợi xét nghiệm cộng đồng rất mất thời gian vì quá đông người. Người lao động ở công ty chúng tôi trong 1 ngày còn phải xét nghiệm 2 lần. Lần một xét nghiệm cộng đồng theo quy định của thành phố. Lần 2 phải đến bệnh viện xét nghiệm lại thì mới có giấy để lưu thông trên đường khi đi giao hàng”, anh Trần Trọng Đạt cho hay.
Rõ ràng, việc cơ quan chức năng của Hà Nội không trả giấy chứng nhận kết quả sau khi xét nghiệm cộng đồng tầm soát Covid-19 đã gây tốn kém cho người dân nếu công việc của họ cần phải có giấy chứng nhận âm tính.
Ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dù sử dụng test nhanh hay xét nghiệm PCR mẫu gộp, nhưng Hà Nội nên cấp giấy chứng nhận kết quả nếu người dân cần: “Theo tôi, cần cấp giấy chứng nhận cho người dân sau khi họ đã xét nghiệm, ít nhất là đối với những người cần, như thế mới đảm bảo tính minh bạch….”.
Qua câu chuyện xét nghiệm cộng đồng diện rộng nhưng không cấp giấy chứng nhận kết quả cho người dân tại Hà Nội còn cho thấy, quy định về thủ tục để được lưu thông từ địa phương “vùng đỏ” đến “vùng vàng”, “vùng xanh” đang được thực hiện mỗi nơi một kiểu. Theo anh Trần Trọng Đạt, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực vận tải, chuyển phát nhanh đang đau đầu trước những quy định không thống nhất hiện nay.
“Công việc của chúng tôi là từ Hà Nội giao hàng đến các tỉnh. Có tỉnh chỉ yêu cầu giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm nhanh, nhưng có tỉnh đòi kết quả xét nghiệm PCR. Có tỉnh công nhận kết quả trong 3 ngày nhưng có tỉnh như Hưng Yên chỉ công nhận hiệu lực trong 2 ngày. Thời gian đầu, test nhanh chi phí 330.000 đồng/người/lượt. Sau chúng tôi đề nghị xét nghiệm mẫu gộp cho 5-6 người thì giảm còn 280.000 đồng/người/lượt. Xét nghiệm PCR đắt hơn có lúc lên tới 1,5 triệu đồng/người/lượt. Sau 1 ngày mới trả kết quả nên về hiệu lực, chờ đợi kết quả đã mất 1 ngày rồi”, anh Trần Trọng Đạt cho biết.
Măc dù, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn về hiệu lực kết quả xét nghiệm PCR là 3 ngày nhưng có địa phương chỉ chấp nhận 1 ngày đã cho thấy sự tuỳ hứng trong việc điều hành phòng chống dịch của một số cấp chính quyền địa phương. Trong khi đó, theo Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 không có nhiều ý nghĩa và không thể khẳng định chắc chắn tại thời điểm xét nghiệm người đó không nhiễm Covid-19.
“Tôi cho rằng việc xét nghiệm diện rộng của Hà Nội là không cần thiết. Kết quả hàng triệu mẫu xét nghiệm nhanh nhưng chỉ có vài trường hợp dương tính chưa chắc đã phản ánh đúng thực tế…”, Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà nêu ý kiến.
Trước tình hình dịch bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố với số ca mắc lên tới 5 con số và số trường hợp tử vong lên tới 3 con số liên tục nhiều ngày qua, các bộ ngành chức năng đang xem xét, điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch Covid-19. Cách đây ít ngày, sau khi dư luận lên tiếng, Hà Nội đã phải tạm dừng việc xét nghiệm đối với trẻ em dưới 12 tuổi, trừ số ít xã, phường thuộc diện phong toả. Hy vọng những bất cập trong xét nghiệm nói riêng, phòng chống dịch nói chung hiện nay sẽ được các tỉnh, thành phố kịp thời điều chỉnh để giảm phiền hà, thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp./.