Doanh nghiệp Việt lo về sức ép cạnh tranh từ TPP, FTA là vô lý
VOV.VN -Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, bản chất của môi trường kinh tế hiện nay là cạnh tranh, cạnh tranh sẽ có những doanh nghiệp mạnh.
Nói về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vào thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, có khác thời điểm trước ở việc thông qua một số hiệp định thương mại quan trọng, trong đó có AEC, TPP, FTA Việt Nam - EU.
Đàm phán TPP đang vướng 2 điểm nghẽn
Trong khi có nhiều ý kiến quan ngại về cộng đồng kinh tế ASEAN, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh giải thích: Cộng đồng này sẽ được hình thành vào cuối 2015. Song, đến thời điểm này nhân dân và doanh nghiệp chưa biết nhiều về cộng đồng kinh tế ASEAN. Trong đó, theo lộ trình, rất nhiều mặt hàng sẽ có thuế về 0% vào năm 2018. Nhưng hiện nay trong nội bộ ASEAN, cũng chưa rõ có thể đưa được mức thuế này về 0% với nhiều mặt hàng (gạo, đường…) đúng lộ trình hay không. Rất có thể sẽ phải đàm phán lại về vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh (Ảnh: KT)
Về đầu tư, ASEAN chưa phải thị trường đầu tư thống nhất, còn nhiều rào cản đầu tư trong nội bộ khối ASEAN. Đặc biệt, về di chuyển thể nhân, tới thời điểm này mới chỉ có 8 ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau. Nhưng nếu không biết tiếng Anh thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Đơn cử, người Việt không thể sang Thái Lan kinh doanh nếu không biết tiếng Thái, ngược lại, người Thái không thể sang Việt Nam làm nếu không biết tiếng Việt. Cho nên, ông Khánh cho rằng, “dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, nhưng đến cuối 2015 chưa có gì thay đổi đột ngột, và năm 2016 cũng vẫn thế”.
Đối với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thứ trưởng Khánh cho biết, hiện đã bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. Đây là Hiệp định lớn, có phạm vi điều chỉnh rộng, mức độ cam kết sâu. Nhưng đến nay còn nhiều vấn đề tồn tại trong đàm phán, trong đó đặc biệt khó là thẩm quyền đàm phán nhanh của Tống thống Mỹ, và đàm phán song phương Nhật Bản và Mỹ. Kỳ vọng tháng 5 này có thể đạt được thẩm quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Mỹ. Nếu không có thẩm quyền này thì TPP mới có cơ hội ký kết. Còn đàm phán Mỹ - Nhật liên quan đến nông sản và ô tô vẫn chưa kết thúc.
Do vậy, đây chính là 2 điểm nghẽn trong đàm phán TPP đến thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, TPP chỉ còn 1 cơ hội để kết thúc đàm phán là tháng 6/2015. Nếu thời điểm này chưa kết thúc được đàm phán TPP, sẽ phải dời sang năm 2017 để khởi động trở lại. Bởi vì 2016, Mỹ còn phải thực hiện tranh cử Tổng thống.
Còn lại, “đàm phán FTA Việt Nam – Liên minh châu Âu đang tiến triển tốt”- ông Khánh thông báo tin vui. Nhưng ông Khánh cũng cho biết, chất lượng hiệp định quan trọng hơn tốc độ đàm phán. Do đó, với FTA này, đàm phán không đặt ra mốc cụ thể kết thúc đàm phán.
Điều quan trọng nhất, “kể cả khi TPP kết thúc đàm phán vào tháng 6/2015, hoặc kết thúc FTA Việt Nam – EU vào 6/2015 thì trong năm 2015 và 2016 cũng sẽ chưa có gì thay đổi đột biến ngay. Bởi vì quá trình thông qua Hiệp định này không hề đơn giản. Các nước đều phải có thời gian để đưa hiệp định ra quốc hội phê chuẩn, cần thời gian ít nhất 12-18 tháng. Vì vậy, từ nay đến 2015 và 2016, các hiệp định này chưa có tác động đến môi trường kinh doanh của Việt Nam”.
Doanh nghiệp lo lắng về sức ép cạnh tranh là vô lý
Về một số ý kiến lo lắng, thậm chí bất an khi Việt Nam hội nhập sâu nhưng dường như doanh nghiệp Việt chưa có sự chuẩn bị chu đáo “sức khỏe” để hội nhập, quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh là “chúng ta không cần phải quá lo lắng về các hiệp định. Vì Việt Nam hướng đến nền kinh tế hiệu quả, năng suất cao, sức cạnh tranh, thì TPP và FTA Việt Nam- EU hướng đến xóa bỏ các rào cản để vốn, hàng hóa, dịch vụ lưu chuyển tự do. Từ đó, tất cả các quốc gia thành viên có điều kiện phát triển theo đúng lợi thế so sánh của mình.
Doanh nghiệp Việt lo lắng sức ép cạnh tranh từ các hiệp định về thương mại, đầu tư (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Khánh, các Hiệp định đều có nội dung hỗ trợ cho việc Việt Nam hướng đến nền kinh tế hiệu quả; chất lượng đầu tư công; minh bạch, công bằng, hiệu quả tối đa việc chi tiêu tiền thuế của nhân dân.
Về công nghiệp hỗ trợ, dù TPP chưa được ký kết, nhiều nhà đầu tư đã vào Việt Nam, một số dây chuyền cung ứng quan trọng đã vào Việt Nam. Việt Nam thành cứ điểm sản xuất cho toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt sẽ nắm bắt cơ hội này để phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trong 2 hiệp định này có các nội dung điều chỉnh đến các vấn đề về chống tham nhũng, đối xử bình đẳng giữa DNNN và DNTN, hành xử vô tư, khách quan của cơ quan nhà nước, hoạch định chính sách minh bạch…
Cho nên, theo ông Khánh, sự lo lắng liên quan đến 2 hiệp định này, “suy cho cùng là lo lắng về sức ép cạnh tranh. Đây là sự lo lắng không hợp lý của các doanh nghiệp. Vì bản chất của môi trường kinh tế hiện nay là cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp không cạnh tranh nổi thì phá sản. Cạnh tranh là bản chất của môi trường kinh doanh. Thông qua cạnh tranh sẽ có những doanh nghiệp mạnh”.
Riêng với nông nghiệp, ông Khánh khẳng định, khi mở cửa hội nhập thì ngành này sẽ gặp khó khăn, vì không dễ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trong một sớm một chiều. Nông nghiệp Việt không thể cạnh tranh nếu tiếp tục sản xuất manh mún, cách làm cổ điển như hiện nay. Không ai đầu tư vào nông nghiệp để mong kiếm lợi trong vòng 5 năm, mà tính theo chu kỳ giá, cần ít nhất 10 năm. Dẫn ví dụ cụ thể, ông Khánh khuyến cáo: Khi có lợi nhuận cao thì phải biết để dành phục vụ cho lúc giá xuống thấp. Làm nông nghiệp, điều này cần phải lưu ý./.