Doanh nghiệp Việt thấy nhiều lợi thế từ Trùng Khánh (Trung Quốc)
VOV.VN - Trùng Khánh là điểm trung chuyển hết sức quan trọng để DN Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa vào sâu các tỉnh phía Tây Trung Quốc.
Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hai nước Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác và giao thương, ngày 10/12, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và Ủy ban Thương vụ TP Trùng Khánh (Trung Quốc) đã tổ chức Tọa đàm giao lưu DN Việt Nam và Trùng Khánh (Trung Quốc).
Tại sự kiện, các doanh nghiệp của Trùng Khánh (Trung Quốc) và Việt Nam đã trao đổi các cơ hội hợp tác kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như cơ điện lạnh, sản xuất xe máy, điện tử, đồ kim khí...
Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam chia sẻ, trong những năm qua, các DN Trung Quốc nói chung và TP Trùng Khánh (Trung Quốc) nói riêng luôn có thế mạnh về cung cấp nguyên liệu, sản xuất các mặt hàng cơ kim khí, kỹ thuật chính xác, xe máy... “Doanh nghiệp mong muốn được kết nối giao thương giữa hai nước, cần có nhiều hơn nữa những buổi hội thảo, tọa đàm để DN hai nước có thêm cơ hội hợp tác và phát triển lâu dài”, ông Kết nói.
Ông Hứa Tân Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thương vụ thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc). |
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, trong những năm qua, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là TP Trùng Khánh luôn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Riêng trong năm 2018, kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 106 tỷ USD.
Ông Toàn đánh giá, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị phục vụ sản xuất và các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày. Các mặt hàng công nghệ, máy móc của Trung Quốc có giá trị tương đối rẻ so với các nước nên phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam.
Trong khi Việt Nam đang hướng tới việc thu hút đầu tư và phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực bằng việc thu hút đầu tư có chọn lọc. Trung Quốc là một trong những quốc gia phát triển tiên phong về công nghiệp thông minh, công nghệ 4.0 với mạng 5G rất phát triển.
“Việt Nam rất hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và doanh nghiệp Trùng Khánh (Trung Quốc) nói riêng sang thăm và tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam. Đây là cơ hội để hai bên hiểu nhau hơn và thúc đẩy hợp tác cùng phát triển”, ông Toàn mong muốn.
Ông Toàn cũng đề nghị, doanh nghiệp hai bên cần tận dụng tốt cơ hội giao thương, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, từ đó tận dụng và khai thác những thế mạnh của hai bên để mở rộng thị trường.
Trong nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Chính quyền thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) tổ chức nhiều tọa đàm về hợp tác kinh tế, thương mại cũng như logistics. Tận dụng lợi thế về mặt địa lý của Trùng Khánh, riêng trong lĩnh vực logistics, với vị trí chiến lược kết nối các tỉnh phía Tây với phía Đông Trung Quốc, các DN Việt Nam đã kịp thời kết nối với các DN Trùng Khánh, xuất khẩu hàng hóa đến các khu vực Đông Nam Á, Trung Á và châu Âu.
Chính vì thế, các DN Việt Nam nhìn nhận, Trùng Khánh là điểm trung chuyển hết sức quan trọng để DN Việt Nam có thể đưa hàng hóa vào sâu các tỉnh phía Tây Trung Quốc. Hơn nữa, qua Trung Quốc, sản phẩm xuất khẩu còn tiến xa hơn sang các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á-Âu như Kazakhstan, Nga, Belarus và xa hơn nữa là qua Ba Lan, Đức để đến các nước châu Âu khác.
Khẳng định lợi thế này, ông Hứa Tân Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban thương vụ thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) cho hay, Trùng Khánh là một trong những trung tâm đô thị kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, là điểm khởi đầu của tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu và tuyến vận tải hàng hóa quốc tế Hướng nam Trung Quốc - ASEAN.
Đặc biệt, Trùng Khánh có vai trò cầu nối rất quan trọng giữa khu vực Tây Nam đầy tiềm năng của Trung Quốc với các địa phương Việt Nam. Chính những lợi thế này đã khiến hàng hóa trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, Trùng Khánh nói riêng rất đa dạng, phong phú và có tính bổ sung rất lớn.
“Việc gặp gỡ, giao lưu trực tiếp với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp Trùng Khánh tìm kiếm cơ hội hợp tác, đồng thời hiểu hơn về những sản phẩm thế mạnh cũng như nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thành khẳng định.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban thương vụ thành phố Trùng Khánh, từ năm 2018 tới nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trùng Khánh đã tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trùng Khánh và các nước Đông Nam Á đạt trên 87,9 tỷ NDT; riêng tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Trùng Khánh đạt 24,71 tỷ NDT, tăng 128,95%.
“Từ những con số này có thế thấy, sự hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các DN hai bên sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng, đặc biệt là về mặt thị trường xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế”, ông Thành nhìn nhận.
Với diện tích 82.000 km2 và dân số xấp xỉ 31 triệu người, Trùng Khánh được coi là trung tâm để thực hiện chính sách “Đại khai phá miền Tây” của Trung Quốc. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trùng Khánh trong những năm qua chủ yếu là các mặt hàng hoa quả nhiệt đới, cà phê, thủy sản... Việt Nam nhập khẩu từ Trùng Khánh chủ yếu là linh kiện ô-tô, xe máy, thiết bị khai khoáng, hóa chất.../.
Doanh nghiệp Việt vẫn lơ mơ thông tin về thị trường Trung Quốc