Dân công sở “nhộn nhịp” bán hàng Tết
Các mặt hàng kinh doanh hết sức phong phú từ đồ ăn, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm cho đến chậu hoa, cây cảnh...
Mỗi năm, cứ đến dịp cận Tết, nhiều người lại kiếm việc làm để tăng thêm thu nhập. Dù bận rộn với báo cáo và các hoạt động cuối năm, một bộ phận dân công sở cũng không thể bỏ qua cơ hội 'hái ra tiền' này.
Với sự phát triển của Internet và Facebook, anh chị em văn phòng có thể vừa làm việc mà vẫn tranh thủ thời gian rảnh buôn bán. Trong đó, một lượng khách không nhỏ có thể đến từ chính các đồng nghiệp tại công ty. Các mặt hàng kinh doanh cũng hết sức phong phú, đa dạng: Từ quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm cho đến chậu hoa, cây cảnh...
Chị Mai, nhân viên một công ty chứng khoán, từng rất ấn tượng với món thịt gác bếp Sơn La khi tham dự tiệc cưới của một cô dâu người Thái trắng. Vì vậy, chị đã quyết định kinh doanh mặt hàng này trong dịp Tết.
Nắm bắt tâm lý nhiều người lo ngại thực phẩm độc hại, chị Thảo, một nhân viên hành chính cũng bán các thực phẩm sạch như rau củ, thịt lợn, thịt gà, trứng, giò chả... Chị cho biết các thực phẩm này đều do người dân quê chị nuôi trồng hoặc chế biến, không dùng thuốc tăng trọng hay chất bảo quản, đảm bảo tươi sạch 100%.
Dân công sở chọn nhiều sản vật vùng miền để kinh doanh dịp Tết. (Ảnh minh họa: KT) |
"Lần đầu tiên kinh doanh dịp Tết, tôi cũng khá lo lắng vì chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ mới 2 tuần mà tôi đã nhận được gần trăm đơn hàng lớn, nhỏ", chị Loan chia sẻ.
Với nhiều dân công sở, Tết là dịp 'làm ăn' không thể bỏ qua trong năm, giúp họ có thêm 'đồng ra đồng vào' để chi tiêu trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Chị Lan, một người có nhiều năm kinh doanh các mặt hàng Tết bộc bạch "Lương 2 vợ chồng tôi chẳng đáng là bao. Trong khi đó, mỗi dịp Tết đến lại có hàng trăm khoản phải chi. Buôn bán thêm cuối năm dù có vất vả hơn một chút nhưng cũng có thể kiếm được 4-5 triệu đồng/tháng, có thêm thu nhập để biếu ông bà nội ngoại và mua sắm quần áo cho con cái."
Không phải nhân viên văn phòng nào cũng làm thêm dịp Tết vì cần tiền. Nhiều người cho biết họ chỉ muốn xem khả năng kinh doanh hoặc tay nghề nấu nướng của mình ra sao. Cũng có người chia sẻ rằng thấy anh em, đồng nghiệp 'đi buôn' nhiều quá, nên mình cũng thử sức cho vui.
Tuy nhiên, việc gì cũng có hai mặt của nó. Có người vì mải mê kinh doanh nên không có thời gian chăm sóc gia đình hoặc bị sếp quở trách vì xao lãng công việc.
Cũng có người không tính toán kỹ lưỡng, nhập quá nhiều hàng nhưng không bán hết, cuối cùng phải giảm giá, chịu lỗ và nhờ người thân, bạn bè mua giúp.
"Năm ngoái, nghe nhiều người mách buôn chậu hoa, cây cảnh dịp Tết rất lãi nên tôi cũng bỏ ra số tiến không nhỏ để đầu tư. Nhưng cuối cùng chẳng những không kiếm thêm được đồng nào mà còn 'âm' vào vốn. Vừa giải quyết việc cơ quan, lại lo hàng không bán hết, thành ra đến Tết lại lăn ra ốm. Năm nay, tôi quyết định không buôn bán thêm gì nữa.", nhân viên một công ty xuất nhập khẩu chia sẻ./.