Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp

VOV.VN -Muốn cổ phần hóa thành công phải chọn những cổ đông chiến lược, nhà đầu tư lớn.

>> Dứt khoát hoàn thành tái cơ cấu 289 doanh nghiệp nhà nước

>> Gỡ vướng trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

>> Cổ phần hóa DNNN nhưng không ai bị mất chức, mất việc

>> Cổ phần hóa chậm: Vướng bài toán được – mất 

Sáng 25/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 6 tháng đầu năm 2015, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Thảo luận tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành địa phương cho rằng, để hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đã đề ra, đặc biệt là cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước, cần đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu.

Các đại biểu cho rằng, cần phải xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp không thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Cùng với đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp với Ban chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, muốn cổ phần hóa thành công phải chọn những cổ đông chiến lược, nhà đầu tư lớn. Như vậy, chỉ có có 2 cách: một bán nguyên lô số còn lại là nhanh nhất, thứ hai là cho vận dụng Nghị định 59 cho áp dụng bán cho cổ đông chiến lược.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, ngay cả các doanh nghiệp đang cổ phần hoá cũng phải tính, nếu chỉ khống chế ngoài bán ưu đãi ra thì không đáng kể, còn lại theo tỉ lệ thoái vốn thì phần chênh ấy bán 50% cho cổ đông chiến lược, 50 % thì IPO.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì cuộc họp tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Nhà nước chỉ rõ: Việc ban hành cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đạt được tiến độ đề ra; đặc biệt quá trình thực hiện cổ phần hoá của các doanh nghiệp vẫn chưa đạt yêu cầu.

Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu các doanh nghiệp chưa quyết tâm cao và chưa thực sự vào cuộc. Để cổ phần hoá trong thời gian tới, cần phải có sự quyết tâm và tập trung cao của các Bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế và Tổng công ty.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành địa phương cần khẩn trương ban hành, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước theo đúng lộ trình đề ra. Trên tinh thần là thoái vốn ở những nơi Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần và chi phối theo đúng Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, góp phần đổi mới phương thức quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sau khi cổ phần hoá.

Tính đến này 23/6/2015, đã có 68 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá,  ngoài cổ phần hoá, đã bán 2 doanh nghiệp, giải thể 1 doanh nghiệp, sáp nhập 1 doanh nghiệp, chuyển thành công công ty Trách nhiệm hữu hạn hai thành viên 3 doanh nghiệp. Giá trị thoái vốn nhà nước được hơn 7.500 tỷ đồng, thu về 11.161 tỷ đồng, bằng 1,48 lần giá trị sổ sách.

Bán bớt phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 4.153 tỷ đồng, thu về 7.298 tỷ đồng. Tính đến ngày 17/6/2015 có 46 doanh nghiệp cổ phần hoá bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng cổ phần chào bán là 557 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 5.576 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu bán được là 110 triệu cổ phiếu đạt 19,7% tổng số lượng cổ phần chào bán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên