Doanh nghiệp đóng tàu thuyền thiệt hại nhiều tỷ đồng do liên tục “vấp” đăng kiểm
Với Thông tư 43 của Bộ Giao thông vận tải, các doanh nghiệp đóng tàu, thuyền bằng vật liệu PPC đang có nguy cơ đối mặt với thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng…
Sau những lùm xùm năm 2015, các doanh nghiệp (DN) đóng tàu thuyền bằng công nghiệp vật liệu PPC cứ nghĩ các vướng mắc liên quan đến đăng kiểm đã được giải quyết nên đã tiến hành ký kết nhiều hợp đồng mới với khách hàng. Nhưng với thông tư 43 mới đây của Bộ GTVT, các DN này lại đang có nguy cơ đối mặt với thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng…
Nhiều lần bị “gây khó”…
Mới đây, ngày 20/12/2016, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-BGTVT “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu polypropylene copolymer (PPC)”. Thông tư 43 sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/7/2017.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Với việc ban hành Thông tư 43, Việt Nam đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đóng tàu thuyền bằng vật liệu công nghệ mới PPC”. Điều bất ngờ là “quy chuẩn quốc gia đầu tiên” này lại bị chính các DN đóng tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC phản đối khi chỉ cho phép đóng “tàu có sức chở đến 12 người”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện Việt Nam có 2 DN chuyên đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC là Cty CP công nghệ Việt - Séc (KCN Sông Dinh, TP. Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Cty CP công nghệ James Boat (cảng Khuyến Lương, Hà Nội).
Sau 6 năm công nghệ vật liệu PPC được đưa vào Việt Nam, hai doanh nghiệp này đã sản xuất hàng chục tàu tuần tra, ca nô các loại cung cấp cho lực lượng hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển… Các tàu, thuyền này đã và đang được khai thác hiệu quả phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng
Ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Cty CPCN Việt Séc cho biết: “Trong quá trình ứng dụng công nghệ đóng tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu PPC ở Việt Nam (từ năm 2011), chúng tôi đã gặp không ít khó khăn".
Năm 2012, DN đã một lần lao đao, thiệt hại không nhỏ khi các sản phẩm sản xuất ra bị Cục đăng kiểm Việt Nam(VR) từ chối đăng kiểm với lý do… không có tiêu chuẩn quy phạm. Chỉ đến khi kiến nghị của các DN đưa ra trước Quốc hội và với sự chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thì câu chuyện đăng kiểm mới được “thông”.
Từ 2015 đến nay, VR vẫn đăng kiểm tàu thuyền cho DN dựa trên hồ sơ tính toán thiết kế và kiểm tra thực tế mà không hề có khuyến cáo nào về việc “giới hạn tàu PPC không được chở trên 12 người”. Bằng chứng là, trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43 thì VR đã cấp hồ sơ đăng kiểm cho 2 tàu khách PPC có sức chở 32 người và 56 người do Công ty James Boat chế tạo. Hiện 2tàu khách này vẫn đang được sử dụng tại TP Nha Trang, Khánh Hòa.
Vì tin tưởng vào quy trình làm việc này, từ tháng 9/2016, Công ty CPCN Việt Séc cũng tiến hành ký hợp đồng đóng 5 tàu PPC với chiều dài từ 9 – 11 mét, sức chở 20 – 35 người phục vụ khai thác du lịch ở Quảng Ninh và Thanh Hóa.
"Doanh nghiệp bất ngời vì VR lại tham mưu cho Bộ GTVT ban hành Thông tư 43 khiến cho 5 tàu PPC mới sản xuất của DN gần như hết cơ hội đưa vào hoạt động. DN có thể sẽ bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng, chưa kể sẽ bị phạt hợp đồng. Khách hàng sẽ không tiếp tục đặt hàng, DN có khả năng phải đóng cửa, người lao động sẽ mất việc làm”, ông Đảo cho biết.
“Bộ GTVT không trực tiếp trả lời là thiếu trách nhiệm…”
Còn ông Nguyễn Kim Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty James Boat cho biết: “ Trước khi Bộ GTVT ban hành Thông tư 43, DN đã kiến nghị loại bỏ nội dung hạn chế “số lượng trên 12 người”, bởi nó sẽ dẫn đến việc không thể ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo tàu khách, du thuyền…".
"Thực tế, tàu tuần tra cao tốc PPC do Cty James Boat đóng mới cung cấp cho Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 1 đã hoạt động tốt 2 năm nay. Tàu có sức chở 16 thuyền viên, chịu được sóng cấp 4, cấp 5, thân vỏ ổn định. Tàu đã giúp thủy thủ đoàn đạt được nhiều thành tích trong việc tuần tra, cứu hộ ven biển. Những tàu sản xuất đã được đăng kiểm hiện nay có kích thước dưới 10m đã được chở đến 12 người thì việc việc tăng sức tải cho những chiếc tàu lớn là cần thiết nếu tính toán kỹ thuật đảm bảo an toàn”, ông Sơn nói.
Trước các kiến nghị của DN về việc Bộ GTVT ban hành thông tư cản trở sản xuất của các DN, ngày 3/2/2017 Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội đã có CV gửi Bộ GTVT khẳng định: “Ủy ban KHCNMT nhận thấy kiến nghị của DN là có cơ sở thực tế; để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ phát triển DN khoa học công nghệ và thúc đẩy ứng dụng vật liệu mới, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, chỉ đạo xử lý, trả lời DN”.
Ông Vũ Văn Đảo cho biết: “Sau khi có ý kiến của Ủy ban KHCNMT của Quốc hội, Bộ GTVT đã không trực tiếp trả lời các DN mà chỉ chuyển CV đến Cục Đăng kiểm VN báo cáo bộ về các nội dung liên quan đến phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu PPC thay cho trả lời. Như vậy là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Ủy ban KHCNMT của Quốc hội và thể hiện sự trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GTVT”. /.
Khai thác thủy sản có tín hiệu khả quan