Hộ cá thể “ngại” lên doanh nghiệp khi chưa thấy quyền lợi thiết thực
VOV.VN - Ngoài sự phức tạp khi hoạt động với mô hình doanh nghiệp, các hộ kinh doanh cá thể vẫn còn lo ngại về quyền lợi chưa thực sự được đảm bảo.
TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp, riêng trong năm 2017 phát triển 50.000 doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện thành phố có 245.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện lên doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, bên cạnh phát triển doanh nghiệp mới, TP HCM sẽ vận động, khuyến khích những hộ kinh doanh cá thể nâng lên thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ kinh doanh cá thể vẫn “ngại” chuyển thành doanh nghiệp.
Nhiều hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện vẫn không muốn chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Internet) |
Hiện nay, cửa hàng của chị Thanh thực hiện chế độ thuế khoán, mỗi tháng chỉ phải đóng thuế hơn 400.000 đồng nên chị thấy hợp lý và thuận lợi. Cuối tháng chị Thanh chỉ cần đóng thuế, không cần phải làm sổ sách kế toán. Khách mua hàng tại cửa hàng cũng không cần hóa đơn đỏ.
“Lên doanh nghiệp sẽ rất rắc rối trong khi hiện nay thực hiện chế độ thuế khoán rất đơn giản. Nếu lên doanh nghiệp cửa hàng sẽ phải thuê kế toán, làm sổ sách, báo cáo thuế phiền phức”, chị Thanh nói.
Băn khoăn của chị Thanh cũng là suy nghĩ của nhiều hộ kinh doanh cá thể ở TP HCM hiện nay. Lo ngại đầu tiên khi lên doanh nghiệp là các hộ phải làm sổ sách kế toán, trong khi đối với đa số hộ kinh doanh thì các khái niệm về kế toán, hệ thống tài khoản kế toán, báo cáo thuế là một thứ khá xa lạ và rắc rối.
Một lo ngại nữa là sau khi hộ kinh doanh nâng lên doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%. Mức thuế này có thể sẽ cao hơn thuế khoán mà họ đang thực hiện.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Lê Thành, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Bình Tân, TP HCM đề nghị, Chi cục thuế cần phải phối hợp với Hội doanh nghiệp của quận tập huấn, giúp những hộ kinh doanh cá thể về mặt thủ tục và phương thức hoạt động, đảm bảo để khi chuyển lên doanh nghiệp việc kinh doanh phải phát triển tốt hơn.
“Để khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, thành phố phải có chính sách rõ ràng hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể, đào tạo họ quy trình, phương thức quản lý một doanh nghiệp”, ông Nghĩa đề xuất.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp, các thành phố nên dùng nguồn Quỹ Hỗ hợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hỗ trợ 30% chi phí thành lập doanh nghiệp.
Để khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển lên doanh nghiệp, từ nay đến cuối tháng 3/2017, lãnh đạo UBND TP HCM sẽ làm việc với lãnh đạo các quận, huyện và ngành chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố sẽ vận động khoảng 14.000 hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp.
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP HCM cho rằng, Cục thuế tập trung vận động hộ kinh doanh nếu lên doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận các chương trình kích cầu của thành phố, khi được sự hỗ trợ của thành phố hộ kinh doanh sẽ phát triển tốt hơn hiện nay. Nếu hộ kinh doanh không lên doanh nghiệp, vẫn giữ quy mô như hiện nay thì chỉ có thể phát triển ở mức như hiện tại.
Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp
Khuyến khích, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển đúng quy mô, thế mạnh của mình và tạo thương hiệu mới. Điều đó vừa giúp doanh nghiệp phát triển, vừa tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này TP HCM cần có giải pháp và sự hỗ trợ phù hợp để hộ kinh doanh thấy được lợi ích thiết thực của việc chuyển đổi lên thành doanh nghiệp./.